Hệ thống đường giao thông do Trung ương và tỉnh quản lý qua địa bàn huyện Nam Trực hiện có 7 tuyến đã được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II, III, IV đồng bằng gồm các Quốc lộ 21, 21B; các tỉnh lộ 490C, 485B, 487, 487B và đường Lê Đức Thọ nối với cầu Tân Phong. Trong đó, có 3 tuyến đường chạy dọc từ phía bắc tới phía nam huyện (gồm các Quốc lộ 21, 21B và tỉnh lộ 490C) với tổng chiều dài xấp xỉ 38,5km; 4 tuyến đường chạy ngang từ đông sang tây huyện (gồm các tỉnh lộ 485B, 487, 487B và đường Lê Đức Thọ) với tổng chiều dài 26km. Cùng với đó, có 7 tuyến đường trục huyện dài 44,34km (Hoa Lợi Hải, Tiến Thái, Bình Sơn, Thanh Khê, Nam Ninh Hải, Mỹ Điền, An Thắng) được nhựa hóa đạt 100% đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng. Hệ thống đường liên xã gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 26km qua địa bàn 12 xã đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ giao thương hàng hoá và nhu cầu đi lại của nhân dân thuận tiện. Ngoài ra, hệ thống đường trục xã, đường nội bộ qua các khu dân cư, đường trục chính nội đồng đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn giao thông nông thôn và đang được huyện tiếp tục quy hoạch mở rộng, cải tạo, nâng cấp; 50% các tuyến đường trục thôn, đường dong ngõ, xóm đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và địa phương quan tâm thực hiện tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn của huyện đối với các tuyến giao thông trên địa bàn; tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra ở nhiều tuyến đường, nhiều địa phương trong thời gian dài vẫn chưa được giải quyết triệt để…
Thi công đường Nam Ninh Hải đoạn qua địa bàn các xã Nam Hoa, Nam Hồng (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Như vậy, hệ thống đường giao thông của huyện Nam Trực đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo kết nối với mạng lưới giao thông của tỉnh và các địa phương khác, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện vẫn cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện và hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU về quản lý và phát triển hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: hoàn thành đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường trục huyện đạt quy mô cấp IV, V đồng bằng; các tuyến đường liên xã theo quy mô cấp V đồng bằng và nâng cấp một số tuyến đường liên xã đưa vào danh sách các tuyến đường trục do huyện quản lý để thuận lợi huy động các nguồn lực cải tạo, nâng cấp; đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường trục xã, đường thôn xóm và tối thiểu 80% đường trục chính nội đồng đạt tiêu chí nông thôn mới; thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện… Ngày 13-10-2020, công trình cải tạo, nâng cấp đường An Thắng đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2512/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình. Theo đó, dự án đường An Thắng là công trình giao thông cấp IV, do UBND huyện Nam Trực là chủ đầu tư; là tuyến đường trục ngang huyện kết nối các khu vực tập trung đông dân cư, đê sông Đào và hệ thống giao thông huyết mạch của Trung ương, của tỉnh là Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C đi qua địa bàn các xã Nghĩa An, Nam Toàn, Hồng Quang, Nam Thắng. Dự án có tổng chiều dài 14,444km gồm 1 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, quy mô đường cấp V đồng bằng, thiết kế mặt đường cấp cao A2. Cùng với đường An Thắng, các tuyến đường liên xã cần đầu tư nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn đường huyện quản lý là: tuyến đường An Quang dài khoảng 6,9km có điểm đầu tại đê tả sông Đào, xã Nghĩa An, điểm cuối là Quốc lộ 21B qua các xã Nghĩa An, Nam Cường, Hồng Quang. Đường Phong Quang dài khoảng 4km, điểm đầu giáp xã Nam Phong (thành phố Nam Định) điểm cuối Quốc lộ 21 thuộc xã Hồng Quang; tuyến đường cơ bản bám theo bờ phải sông Châu Thành đảm bảo kết nối các xã Nam Phong, Nam Mỹ, Hồng Quang. Đường Nguyễn Hiền dài khoảng 5,4km có điểm đầu ở đê hữu sông Hồng qua đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, điểm cuối tại Quốc lộ 21 qua địa bàn 3 xã Điền Xá, Nam Thắng, Tân Thịnh. Đường Giang Tiến dài khoảng 5km, điểm đầu tại vị trí tỉnh lộ 485B giao với tỉnh lộ 487B, điểm cuối tại tỉnh lộ 487 kết nối 4 xã, thị trấn: Nam Giang, Nam Dương, Bình Minh, Nam Tiến. Đường Thái Hải dài khoảng 6,2km điểm đầu tại Quốc lộ 21B, điểm cuối tại tỉnh lộ 490C qua địa bàn các xã Nam Hải, Nam Thái, trong đó có đoạn tuyến mới dài khoảng 1,2km thuộc địa bàn xã Nam Thái.
6 nhóm giải pháp trọng tâm được huyện đề ra để thực hiện mục tiêu trong đó nêu rõ, hệ thống giao thông trên địa bàn 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Nghĩa An, Điền Xá, Hồng Quang tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, điều chỉnh bổ sung hệ thống giao thông của huyện phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đã được UBND tỉnh phê duyệt và gắn với quy hoạch xây dựng các xã, thị trấn đảm bảo sự đồng bộ, kết nối giữa hệ thống giao thông nông thôn và các tuyến đường quốc gia, đường tỉnh qua địa bàn. Hoàn thiện và công khai quy định về phân cấp quản lý đầu tư, phân bổ nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thuộc huyện quản lý (đường huyện và đường liên xã được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và vốn ngân sách huyện từ nguồn đấu giá đất tại các khu dân cư, điểm dân cư tập trung của các địa phương có tuyến đường đi qua; các tuyến đường trục xã, đường trục thôn xóm và đường nội đồng do địa phương huy động các nguồn đóng góp, xã hội hoá theo quy định). Nam Trực phấn đấu trong năm 2022 sẽ hoàn thành công tác phóng tuyến, cắm mốc giải phóng mặt bằng và mốc hành lang an toàn giao thông đường bộ các tuyến đường và giao cho địa phương quản lý; xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống giao thông của huyện đến năm 2030, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường quan trọng có kết nối với hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia, của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung