Bên cạnh các quy hoạch, kế hoạch trực tiếp về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), tỉnh ta luôn chú trọng chỉ đạo lồng ghép thực hiện nhiệm vụ BVMT trong quá trình lập, triển khai các quy hoạch, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.
Xã Minh Tân (Vụ Bản) tích cực cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Có thể kể đến các quy hoạch, đề án chuyên sâu về BVMT đã được tỉnh ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện gồm: Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Các kế hoạch BVMT gồm có: Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nam Định đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong lập và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 riêng nhiệm vụ BVMT được tỉnh chú trọng lồng ghép vào một số lĩnh vực chính như: Quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi; Quy hoạch và triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển các tuyến đê biển, đê sông đảm bảo ứng phó với điều kiện nước biển dâng; Quy hoạch và triển khai nạo vét các hệ thống kênh mương; Củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm bảo đảm tưới, tiêu kịp thời và có hiệu quả cho sản xuất, đồng thời tích cực thực hiện công tác làm giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng biến động thời tiết và khả năng kháng dịch bệnh cao; Chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, chuyển đổi diện tích lúa bị xâm nhập mặn, diện tích sản xuất muối không hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản; Tăng cường công tác bảo vệ rừng hiện có, tích cực trồng, bổ sung rừng phòng hộ ở các bãi bồi ven biển, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng đất ngập nước huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng.
Đối với lập và thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025, UBND tỉnh đã quan tâm, xem xét cụ thể nội dung BVMT trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án; kiên quyết không cho phép đầu tư mới các dự án công nghiệp có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường; không phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường; không đưa vào vận hành, sử dụng mới các khu, CCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu về BVMT. Đặc biệt các dự án công nghiệp đầu tư ngoài khu, CCN thì vấn đề môi trường được ràng buộc ngay từ giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã đặc biệt chú trọng lồng ghép công tác BVMT ngay từ giai đoạn lập kế hoạch cũng như tích cực thúc đẩy, nâng cao chất lượng trong quá trình thực hiện. Đáng ghi nhận, chuyển qua giai đoạn xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao tiêu chí cải tạo cảnh quan, BVMT tiếp tục được chú trọng, nâng tầm trách nhiệm, trở thành mục tiêu chính của toàn tỉnh. Riêng huyện Hải Hậu đã chủ động đề xuất, triển khai thực hiện nhiệm vụ này trên quy mô, mức độ là huyện kiểu mẫu về cải tạo cảnh quan, BVMT.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả trên, công tác lồng ghép nhiệm vụ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại. Nội dung lồng ghép còn chưa cụ thể hóa một cách toàn diện. Nhu cầu về nguồn vốn thực hiện các nội dung BVMT trong các quy hoạch, kế hoạch rất lớn trong khi sự hỗ trợ của Trung ương và ngân sách tỉnh còn hạn chế khi phải cân đối vốn cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhận thức của cộng đồng về thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về BVMT còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn chưa coi trọng phát triển bền vững ảnh hưởng đến công tác BVMT. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời triển khai các bước xây dựng nhiều quy hoạch, đề án trọng tâm, trọng điểm gồm: đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020, Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070… Đây là thời điểm thuận lợi để các cấp chính quyền, ngành chức năng nâng cao hiệu quả lồng ghép yếu tố BVMT vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh cũng chỉ đạo trong lập các quy hoạch, kế hoạch các ngành, các địa phương chủ động kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với tập trung giải quyết các vấn đề tài nguyên và môi trường, ưu tiên các vấn đề cấp bách, từng bước cải thiện môi trường tự nhiên và môi trường sống. Riêng Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch trọng điểm. Trong đó, tích hợp nội dung trực diện về công tác BVMT, bao gồm: phương án BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, để đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, tỉnh bắt buộc phải xác định phương án BVMT trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm gồm: phát triển bền vững các khu vực có vai trò động lực của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh; phát triển mạng lưới giao thông; phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh; phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước liên huyện; phát triển các khu xử lý chất thải; trong bố trí các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm và các công trình hạ tầng xã hội của tỉnh.
Việc lồng ghép thực hiện nhiệm vụ BVMT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là biện pháp hữu hiệu, góp phần giúp các ngành, các địa phương nâng cao tính chủ động, sớm thiết lập lộ trình, phương hướng dài hơi trong bảo vệ, cải thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý