Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh ta từ năm 2019. Đến hết năm 2020 toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 28 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao); được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là 1 trong 5 tỉnh thực hiện tốt nhất Chương trình OCOP. Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng bởi đại địch COVID-19, các ngành chức năng, các địa phương, các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP.
Thẩm định xếp hạng sản phẩm OCOP đối với nước giải khát của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng (Vụ Bản) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Xuân Trường là địa phương có ít sản phẩm đạt chuẩn OCOP, một phần do sản phẩm đăng ký chưa đảm bảo tiêu chí chương trình. Toàn huyện mới có 5 cơ sở, doanh nghiệp ở 4/20 xã, thị trấn là Thọ Nghiệp, Xuân Tiến, Xuân Kiên, Xuân Hòa có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 5 sản phẩm được xếp hạng 3 sao năm 2020 và 10 sản phẩm đăng ký tham gia đợt 1-2021. Từ đầu năm đến nay, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường đồng bộ các biện pháp hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia để tiếp cận, khai thác giá trị thiết thực mà chương trình OCOP đem lại. Theo đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa các nội dung của chương trình OCOP; vận động, khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia chương trình, nhất là các sản phẩm sẵn có; hỗ trợ các chủ thể định hình các sản phẩm ý tưởng có tiềm năng, lợi thế của địa phương đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP, nhất là đối với các địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2020 và các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM huyện và các cơ quan chuyên môn liên quan kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm… và thiết lập các thủ tục, hồ sơ liên quan đảm bảo theo quy định. Các xã, thị trấn còn tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc các sản phẩm hiện có trên địa bàn để lựa chọn sản phẩm tiềm năng, đăng ký tham gia chương trình OCOP đợt 2-2021. Tại Hải Hậu, hết năm 2020, toàn huyện có 67 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trong đó có 4 sản phẩm được công nhận 4 sao, 63 sản phẩm đạt 3 sao. Từ đầu năm 2021 đến nay toàn huyện đã có 22 sản phẩm của 15 cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Trong đó có 8 sản phẩm đề nghị nâng hạng sao và 14 sản phẩm đăng ký mới. Ngay khi đăng ký tham gia, các cơ sở, doanh nghiệp đã có sự chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của chương trình, tuy nhiên vẫn còn thiếu sót về hồ sơ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo quy định. Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện, các xã, thị trấn đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn công chức phụ trách chương trình tăng cường, sát sao hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tập trung cải thiện, bổ sung, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện sản phẩm OCOP năm 2021. Nhờ đó, các cơ sở, doanh nghiệp rất thuận lợi, nắm bắt cụ thể, chi tiết mọi bất cập, thiếu sót, nhanh chóng, dễ dàng khắc phục để sản phẩm của mình đạt chứng nhận các sao OCOP. Cụ thể như Công ty CP Chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long đăng ký sản phẩm nước mắm Ninh Cơ đã đạt 4 sao trong năm 2019 nâng hạng lên mức 5 sao. Để đạt các tiêu chí hạng 5 sao, Công ty cần bổ sung khắc phục các hạn chế gồm: chưa có hoạt động quảng bá ở quốc tế, không có hợp đồng xuất khẩu, sản phẩm chưa có sự đột phá về mẫu mã. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các đơn vị liên quan, Công ty đang tiếp tục thực hiện chu trình OCOP hướng tưới mục tiêu đáp ứng được tiêu chí 5 sao (thương hiệu quốc gia cho sản phẩm). Hộ kinh doanh của bà Vũ Thị Bích Ngọc, xã Hải Tây là đơn vị mới đăng ký sản phẩm Sâm Tâm An Giấc, vì vậy còn nhiều lúng túng trong tiếp cận, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đảm bảo các quy chuẩn, chất lượng. Các đơn vị liên quan đã hướng dẫn, hỗ trợ chi tiết cho bà Ngọc hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; gửi sản phẩm đi phân tích chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn cơ sở; viết báo cáo tác động môi trường đơn giản...
Tại Giao Thủy, các cơ quan, ban, ngành của huyện đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất, các địa phương lựa chọn đăng ký sản phẩm OCOP năm 2021. Theo đó, các địa phương tiếp tục lựa chọn 24 cơ sở, đăng ký 54 sản phẩm mang đặc trưng từng vùng, thuộc các nhóm thực phẩm, dược phẩm, thủ công mỹ nghệ, nông sản tham gia chương trình OCOP với tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Việc hỗ trợ, hướng dẫn được huyện quán triệt giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng liên quan đảm bảo sát sao thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp đăng ký sản phẩm tham gia xếp hạng OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu về: an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì, mã số, mã vạch, tem nhãn...; chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung hồ sơ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến ngày 11-8-2021, toàn bộ 53 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP năm 2021 đã được Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá đạt tiêu chuẩn 3-4 sao. Trong đó một số cơ sở, doanh nghiệp có từ 3-5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp huyện. Tiêu biểu như: Công ty Việt Khuê ở xóm 9 xã Giao Hương có 3 sản phẩm (ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc mẹ bầu); Công ty Tuấn Hiệp có 4 sản phẩm (nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò trắng, sò nâu); HTX Khang Tường có 5 sản phẩm hải sản (ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược); cơ sở Phạm Viết Long xã Giao Yến có 3 sản phẩm (giò, chả, ruốc truyền thống chế biến từ thịt lợn sạch) đạt chuẩn OCOP. Hội đồng thẩm định đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã phân tích kỹ chỉ ra những điểm còn hạn chế để các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chuẩn trước khi trình hồ sơ thẩm định đánh giá xếp hạng cấp tỉnh trong thời gian tới.
Tại các địa phương khác trong tỉnh hiện cũng đang tập trung triển khai chương trình phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thuộc 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; thủ công mỹ nghệ trang trí; vải, may mặc; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Các xã, thị trấn tiếp tục thống nhất quan điểm: xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài. Toàn tỉnh phấn đấu năm 2021 có từ 60 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; đến hết năm 2025 toàn tỉnh có trên 300 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy