Hải Anh phát triển thương mại dịch vụ

08:08, 26/08/2021

Là vùng quê thuần nông, những năm gần đây xã Hải Anh (Hải Hậu) đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao đời sống thu nhập và tạo không khí lao động sản xuất, cung ứng hàng hóa sầm uất. Đến nay, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, thương mại chiếm tỷ lệ gần 30% trong cơ cấu phát triển kinh tế của xã.

Ông Nguyễn Văn Minh, xóm 22, xã Hải Anh kiểm tra kỹ thuật đục trạm cho công trình nhà gỗ giả cổ (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Ông Nguyễn Văn Minh, xóm 22, xã Hải Anh kiểm tra kỹ thuật đục trạm cho công trình nhà gỗ giả cổ (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Để thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, chú trọng nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cấp chợ dân sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực xã và vùng lân cận tham gia buôn bán; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. Nhờ đó, những năm gần đây số hộ kinh doanh của xã phát triển nhanh với hơn 300 hộ, kinh doanh đa dạng các loại hình thương mại - dịch vụ. Thực hiện chương trình xây dựng NTM và chủ trương mỗi xã, thị trấn phát triển ít nhất một làng nghề, Đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn (2010-2020) của huyện, xã đã tiến hành rà soát, khảo sát xây dựng kế hoạch phát triển nghề mộc mỹ nghệ theo đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như sự phát triển của thị trường. Đồng thời xã khuyến khích các hộ dân phát triển nghề phụ theo sở trường của mỗi gia đình. Sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến công hỗ trợ các cơ sở doanh nghiệp cải tiến thiết bị, công nghệ, quy trình, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề cho người lao động, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tín chấp để các hộ sản xuất tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Đến nay trên địa bàn đã hình thành 2 làng nghề sản xuất, kinh doanh sản phẩm mộc mỹ nghệ ở các xóm Đông Hữu và Cồn Thịnh với khoảng 300 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động địa phương. Làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hải Anh làm hoàn thiện tất cả các công đoạn từ nguyên liệu đến thành phẩm như: Xẻ, chạm khắc, khảm (khảm ốc, khảm trai, ghép đá), gia công (lắp ráp, sơn thếp vàng, bạc)… Sản phẩm đa dạng từ các loại đồ thờ trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (đền, chùa, nhà thờ) đến các loại sản phẩm gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ). Ông Nguyễn Văn Minh, xóm 22, xã Hải Anh đã từng lấy nghề mộc mỹ nghệ là phương kế mưu sinh ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Khi xã có chủ trương xây dựng làng nghề, ông đã quyết chí về an cư lập nghiệp tại quê hương, mở xưởng mộc phục dựng nhà gỗ giả cổ. Với kinh nghiệm lâu năm ông cùng với 3 người con trai và hàng chục thợ lành nghề nhận tư vấn, làm mới, sửa chữa, phục dựng công trình nhà ở, công trình tôn giáo theo lối cổ, giả cổ. Các công đoạn sản xuất chính như: vẽ mẫu, đục, đẽo, chạm, khắc, đánh bóng, phun sơn, thếp vàng, bạc đều được làm thủ công với các họa tiết tinh xảo phỏng theo tích cổ như: ngũ phúc, sĩ - nông - công - thương, tứ bình, tứ quý, vinh quy bái tổ... Do đó, uy tín của cơ sở ngày càng được khẳng định, được khách hàng trong tỉnh, trong nước tín nhiệm đặt hàng với khối lượng lớn. Năm 2016, ông mở thêm một xưởng sản xuất, tuyển thêm thợ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với nghề mộc mỹ nghệ, xã đã hỗ trợ cho người dân xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP là tinh bột sắn dây và tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn 3 sao. Chị Vũ Thị Biên, xóm 5, chủ nhân của 2 sản phẩm OCOP cho biết: Tôi làm nghề chế biến tinh bột sắn, bột nghệ từ hàng chục năm trước. Toàn bộ sản phẩm được làm thủ công từ nguồn nguyên liệu của địa phương, đảm bảo chất lượng. Năm 2021, được sự hỗ trợ của UBND xã, tôi đã hoàn thiện các khâu thiết kế, đăng ký tem nhãn, chất lượng, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Với chứng nhận OCOP, sản phẩm đã nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ ở chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm cơ sở cung ứng ra thị trường từ 8-10 tấn sản phẩm.  

Ông Trần Công Tính, Chủ tịch UBND xã Hải Anh cho biết: Thương mại - dịch vụ của địa phương những năm gần đây phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân và khiến cho bộ mặt nông thôn thêm sôi động. Năm 2020, tổng thu ngân sách toàn xã đạt 181% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,47%, giảm 0,76% so với năm 2019. Trong đó, có nhiều gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ tham gia sản xuất, tổ chức kinh doanh, dịch vụ. Xác định phát triển các loại hình dịch vụ là khâu đột phá, tạo tiền đề cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào lĩnh vực này, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Hải Anh tiếp tục hoàn chỉnh mạng lưới thương mại - dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động trên địa bàn. Song song với đó, địa phương tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng thị trường; nâng cấp, củng cố chợ Đền thành khu thương mại dịch vụ quy mô vùng; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm sản xuất tại địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com