Giao Thủy hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn

07:08, 03/08/2021

Theo ông Nguyễn Văn Đỗ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Giao Thủy, để các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuận lợi, tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã chỉ đạo vận động thành lập Hội Doanh nghiệp huyện vào tháng 12-2020. Sau khi thành lập cả 83 doanh nghiệp thành viên Hội đã được tạo nhiều thuận lợi kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong tháng 4-2021, UBND huyện đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp tạo cơ hội cho doanh nghiệp kiến nghị trực tiếp và được các đồng chí lãnh đạo huyện cùng các ngành chức năng giải đáp chỉ đạo hướng tháo gỡ 31 trường hợp vướng mắc đang gặp phải, bao gồm: tiếp cận mặt bằng sạch để đầu tư nhà xưởng; thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất; gỡ khó trong thế chấp, tín chấp vay vốn ngân hàng; giải pháp thu hút người lao động trong điều kiện thiếu nhân lực có trình độ, tay nghề tại chỗ... Đại diện nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) Thịnh Lâm cho biết: “Kể từ khi tiếp cận, triển khai đến lúc hoàn tất thi công hạ tầng CCN, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về hoàn tất thủ tục, vướng mắc, thay đổi đơn vị thi công phải hoãn, giãn tiến độ đầu tư. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời, tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Giao Thủy, chúng tôi đã khắc phục được khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm uy tín, năng lực thu hút và kịp thời cung ứng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp vào khai thác phục vụ sản xuất, kinh doanh”.

Công ty TNHH Nice Power đầu tư xây dựng nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Công ty TNHH Nice Power đầu tư xây dựng nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Ngoài ra thời gian gần đây huyện Giao Thủy còn quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động thông suốt. Trong đó, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiệt hại do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, huyện tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin kịp thời giá cả, nhu cầu thị trường giúp các doanh nghiệp nắm bắt để tổ chức sản xuất. Tăng cường hoạt động khuyến công, khuyến khích phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và phục vụ nông nghiệp; phát triển công nghiệp với nhiều loại hình; phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề thủ công, công nghiệp khai thác, chế biến. Huyện đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết, gắn với xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, ngành nghề nông thôn có thế mạnh của địa phương, phát triển thành các sản phẩm OCOP. Huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Đáng kể, thay vì chờ đợi doanh nghiệp tìm về tiếp cận, huyện đã tăng cường các giải pháp mang tính chủ động hỗ trợ, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong đó, huyện thực hiện tốt công tác quy hoạch. Tập trung cao cho công tác rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành kinh tế định hướng đến năm 2030 theo hướng ưu tiên các ngành có lợi thế về nguyên liệu, khả năng cạnh tranh, thu hút nhiều lao động như: dệt may, nghề chế biến sản phẩm địa phương. Song song với lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 huyện đã quy hoạch các khu, CCN và các điểm sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Việc thực hiện các quy hoạch xây dựng liên quan đảm bảo bám sát tiêu chí chủ động điều kiện tốt nhất về cơ sở, hạ tầng, phục vụ thuận lợi cho thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chẳng hạn, đến kỳ quy hoạch mới, tại thị trấn Quất Lâm, huyện sẽ quy hoạch lại với quy mô 3 đơn vị hành chính gồm: thị trấn Quất Lâm và 2 xã liền kề để xây dựng, phát triển thành khu đô thị mới. Việc quy hoạch mới đô thị, thị trấn, huyện dự kiến quy hoạch khu đô thị Đại Đồng tại khu trung tâm Đại Đồng, xã Hồng Thuận theo hướng hội tụ khai thác lợi thế cụm Ba Lạt; quy hoạch lại phân khu 10 xã, thị trấn để phát huy lợi thế tuyến đường bộ ven biển chạy qua địa bàn huyện đang được đầu tư”. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tham mưu xây dựng quy hoạch liên vùng huyện Giao Thủy - Hải Hậu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Tập trung xây dựng quy hoạch phát triển các khu, CCN; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, toàn huyện thu hút được 18 dự án đầu tư mới; trong đó có 16 dự án đầu tư trong nước, 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài là 413 tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là 1.256 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm liên tục tăng, góp phần giải quyết nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, tăng thu nhập của người dân và thực hiện các chính sách an sinh xã hội của huyện. Ngay sau khi dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh được triển khai thi công, giúp địa phương phá được thế “cụt” về giao thông, huyện đã chủ động tuyên truyền, quảng bá về lợi thế tuyến đường đem lại cũng như các tiềm năng có thể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nội dung truyền thông chú trọng tuyên truyền về lợi thế bố trí nhiều quỹ đất rộng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp của địa phương. Đáng chú ý, huyện có thể bố trí quỹ đất xây dựng KCN quy mô lên đến 300ha và dự kiến bổ sung quy hoạch KCN Hải Long quy mô khoảng 1.100ha. Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiếp cận, xúc tiến đầu tư, ngay từ khi khởi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh đến nay, đã có hơn 30 nhà đầu tư về tìm hiểu, xem xét, nghiên cứu cơ hội đầu tư. Đáng kể, các Tập đoàn lớn như FLC, SunGroup, VinGroup đã chủ động tiếp cận, xúc tiến và có phương án dự định triển khai đầu tư tại địa bàn huyện. Ngay trong quý II-2021, trên địa bàn huyện có thêm 5 nhà máy đã và đang hoàn tất đầu tư hạ tầng, đi vào sản xuất, kinh doanh, dự kiến thu hút thêm khoảng 8.000 lao động.

Sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện, các doanh nghiệp đang đứng chân tại địa bàn đã nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động. Năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021 các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, sản xuất huyện đề ra. Thời gian tới, căn cứ vào đề xuất của các doanh nghiệp, cộng với quy hoạch của huyện đã được phê duyệt, huyện sẽ tập trung xây dựng quy trình quản lý quy hoạch. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để các cấp chính quyền, ngành chức năng phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư. Huyện cũng cam kết thực hiện hiệu quả công tác giải phóng, cung ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com