Ngày 11-5-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là để NHNN cụ thể hóa và triển khai các nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, song cũng là để xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành trong xu thế chuyển đổi số, giúp ngành Ngân hàng nắm bắt thời cơ, vượt lên thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Khách hàng giao dịch tại trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Giao Thuỷ. |
Trong những năm gần đây, xu thế phát triển ngân hàng số đã trở thành một hướng đi tất yếu của các ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0. Theo các chuyên gia, ngân hàng số có nhiều mức độ. Trong đó, 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking; 2.0 là thời kỳ hợp kênh, tung mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng; giai đoạn 3.0 là người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng; còn giai đoạn 4.0 là tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng. Theo số liệu thống kê của NHNN, có đến 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó 39% ngân hàng lên kế hoạch chuyển đổi số riêng và tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ ngân hàng, 42% ngân hàng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số. Đặc biệt, một số dịch vụ ngân hàng (thanh toán, nhận tiền tiết kiệm) gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán (từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán…). Nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân… giúp đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày. Ngoài ra, một số công nghệ mới như định danh điện tử (eKYC), quét mã QR để rút tiền, máy gửi rút tiền tự động (Autobank) đã được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ứng dụng ngày càng rộng rãi như Agribank, BIDV, Vietinbank, TPBank, MBBank, Techcombank… Hiện tại, Techcombank Chi nhánh Nam Định chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (Ebanking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng với phí dịch vụ 0 đồng. MBBank Chi nhánh Nam Định đã triển khai tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên app MBBank và Biz MBBank. Mới đây, ngân hàng này cũng tiên phong ra mắt hình thức thanh toán mới bằng mã VietQR trên App MBBank, theo đó khách hàng có thể dễ dàng tạo một mã QR kèm linh vật, màu sắc theo sở thích hoặc phong thủy cho tài khoản thanh toán của mình và lưu lại cho mọi giao dịch, rút ngắn thời gian, giản tiện trong thao tác thanh toán.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức chính. Đầu tiên là thách thức về sự đồng bộ, giữa thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó là thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Ngoài ra, thách thức từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng; việc đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số cũng là rào cản lớn đối với ngành ngân hàng.
Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet). Kế hoạch cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Để triển khai được thành công kế hoạch này, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, song vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế những rủi ro, thách thức trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Chú trọng xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính năng tiện tích, trải nghiệm cho khách hàng. Đặc biệt, coi nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi phát triển ngân hàng số; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp lao động ngành Ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0./.
Bài và ảnh: Đức Toàn