Xã Yên Trị (Ý Yên) là một xã đồng chiêm trũng, dân cư nằm chủ yếu ngoài đê, trong bối, được sông Đáy bao quanh, mùa mưa lũ nước lên to, đi lại khó khăn, sản xuất luôn bị đe doạ bởi các tình huống thiên tai. Xã có 2,7km đê đại hà, 9km đê bối; 1 cống trên đê, 5 cống dưới bối; toàn xã có 8 trạm bơm điện. Thời gian qua, tuyến đê bối của xã đã được quan tâm đầu tư tu bổ áp trúc, mở rộng mặt cắt 4,5m, đổ bê tông toàn tuyến. Phía trong tuyến đê bối còn 55 ao, nhiều ao sâu ở địa bàn các thôn Tướng Loát, Trại Bến, Trại Trong, Ngọc Chấn. Mặc dù đã được cải tạo, bê tông hóa mặt bối nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu rò rỉ không an toàn cho đê bối trong mùa mưa lũ.
Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã Yên Trị kiểm tra các loại vật tư dự trữ theo phương châm 4 tại chỗ. |
Trước tình hình đó, UBND xã chủ động tham mưu Đảng ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề về phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2021; thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã và triển khai kế hoạch đến từng thôn, xóm, đơn vị, nhân dân, doanh nghiệp. Mục tiêu của kế hoạch PCTT-TKCN xã trong mùa mưa bão năm nay là chuẩn bị sớm các điều kiện cho công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, giữ vững an toàn hệ thống đê điều, đề phòng và chủ động ứng phó tích cực với các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện cùng một lúc như: bão mạnh, lũ cao, triều cường, mưa lớn kéo dài; hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đã chủ động xây dựng phương án PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, từ việc phân công cụ thể chỉ huy tuyến; chuẩn bị nhân lực, vật tư, tài chính, nhu yếu phẩm đến phương án di dân khi có tình huống lũ lớn, bão mạnh, siêu bão xảy ra. Hệ thống chính trị từ xã đến thôn, xóm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành lực lượng, phương tiện PCTT-TKCN; phải tích cực, sáng tạo và bình tĩnh trong xử lý các tình huống có thể xảy ra. Nêu cao tính tự lực và khả năng tự có của mỗi gia đình, mỗi thôn, xóm, đơn vị, sự tương trợ của cộng đồng trong mỗi thôn, xóm trong PCTT-TKCN, trong đó xác định tinh thần mọi người tự ứng cứu giúp đỡ lẫn nhau là chủ yếu và rất quan trọng, chủ động trong dự phòng các nhu yếu phẩm cần thiết. Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đặt trụ sở chỉ huy tại UBND xã. Các ngành, thôn, xóm, Hội đồng quản trị HTX chủ động xây dựng kế hoạch của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn. Kiện toàn các cụm xung yếu, chủ động kiểm tra phát hiện, xử lý và báo cáo kịp thời diễn biến những phát sinh liên quan đến thiên tai trong năm. Sau khi kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đã phân công từng thành viên phụ trách công việc, địa bàn nhằm kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ở từng thôn, xóm trong việc PCTT và TKCN. Khi có tin báo bão, lũ, Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã kịp thời thông báo tuyên truyền nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động giằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, dự trữ lương thực theo chủ trương chung; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đã chủ động triển khai kế hoạch PCTT, lụt bão và TKCN ở cơ quan, đơn vị mình. Về lực lượng tại chỗ, UBND xã giao Ban Chỉ huy quân sự xã tổ chức hiệp đồng lực lượng xung kích với quân số được huy động là 300 người (trong đó có 48 người làm nhiệm vụ tuần tra đê bối) được phân bổ theo 4 cụm, do đồng chí chỉ huy trưởng quân sự trực tiếp chỉ huy. Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm kê vật tư, đất dự trữ để bổ sung kịp thời. Khối lượng đất dự trữ là 150m2 trên 5 cống qua đê/bối; tổ chức thu 3.510 bao tải lưu trữ tại kho của xã, 7.020 bao tải đất và 3.510 bó rồng rào giữ tại hộ gia đình; các vật tư dự trữ trong kho gồm 100kg thừng, 400kg rơm, 10 bạt chắn sóng, mai, cuốc, xẻng, đèn pin; hợp đồng dự trữ 150 bụi tre, 15m3 đá dăm, 15m3 cát vàng, 6 xe vận tải. Về hậu cần tại chỗ, kinh phí dự phòng cho công tác PCTT-TKCN năm 2021 của xã là 70 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ, sẵn sàng mua sắm các thiết bị, nhu yếu phẩm (gồm 1 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 200 thùng nước sạch, 30 cái đèn pin, 50 lít dầu Diezel, 50 lít xăng) khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Xã giao trạm y tế xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế cần thiết, thuốc khử trùng, Cloramin B để sẵn sàng đáp ứng tình huống cấp cứu, khử khuẩn nguồn nước và vệ sinh môi trường.
Xã Yên Trị có 11 thôn, xóm với tổng số 3.510 hộ, 11.781 khẩu đều nằm ngoài đê nhà nước, riêng thôn Vĩnh Trị có 1/3 dân sống ở ngoài đê trong bối. Do vậy, trong phương án PCTT và TKCN, UBND xã Yên Trị luôn phải xây dựng phương án di chuyển dân khi có tình hình xấu. Theo đó, khi có lũ báo động cấp 2 Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã phát lệnh di chuyển bước 1 gồm trẻ em dưới 10 tuổi, người già trên 70 tuổi, phụ nữ có thai, người tàn tật ốm đau, gia đình chính sách và toàn bộ trâu bò; khi có lũ báo động cấp 3 xã phát lệnh di chuyển triệt để, chỉ người từ 18-45 tuổi ở lại trông coi tài sản và thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN. Địa điểm di chuyển được sắp xếp như sau: các hộ thuộc thôn Ngọc Chấn sơ tán về xóm Đông, thôn Vĩnh Trị; các hộ thuộc xóm Giáo sơ tán về xóm Tây, thôn Vĩnh Trị; các xóm Bến, Trại Bến, Trong, Trại Trong sơ tán lên cống Mỹ Tho vào thôn La Ngạn (xã Yên Đồng); các xóm Giữa, Hạc Bổng, Tướng Loát sơ tán vào thôn Nấp (xã Yên Đồng); còn các hộ ngoài đê thôn Vĩnh Trị giao cho cấp uỷ, chính quyền thôn vận động nhân dân di chuyển vào bên trong đê đại hà thuộc địa bàn của mình. Riêng thôn Ngư Nghiệp, hộ nằm ở thôn nào thì di dân theo phương án của thôn đó và yêu cầu thôn Ngư Nghiệp chuẩn bị phương tiện thuyền để giúp nhân dân vận chuyển tài sản.
Chủ động phương án PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, xã Yên Trị quyết tâm đảm bảo an toàn tuyến đê bối cùng tài sản và tính mạng của nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai bão lũ gây ra. Sớm khắc phục hậu quả sau bão, lũ lụt khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân./.
Bài và ảnh: Thành Trung