Xây dựng đô thị thông minh hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện (kỳ 3)

07:07, 07/07/2021

[links()]

(Tiếp theo và hết)

Kỳ III: Cần những giải pháp đồng bộ

Xây dựng ĐTTM là lộ trình dài với nhiều nhiệm vụ thành phần quan trọng. Để chương trình xây dựng ĐTTM đạt được kết quả cao hơn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó ưu tiên gỡ vướng trong xây dựng, vận hành thí điểm Trung tâm ĐTTM; tiếp đó sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số (CĐS).  

Một góc thành phố Nam Định nhìn từ trên cao.  Ảnh: Thành Trung

Một góc thành phố Nam Định nhìn từ trên cao.

Ảnh: Thành Trung

Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ ĐTTM

Mục tiêu chính xuyên suốt quá trình xây dựng ĐTTM là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, chương trình hành động. Do đó để đạt kết quả cao trong triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Trước tiên phải tập trung xây dựng, thiết kế các dịch vụ ĐTTM dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cách họ muốn tương tác với chính quyền. Đồng thời xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ hài lòng và mức độ sử dụng dịch vụ của người sử dụng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ; thiết lập cơ chế để tiếp nhận và kịp thời xử lý các phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với việc sử dụng dịch vụ. 

Trên cơ sở đó, Sở TT và TT đã phối hợp với Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng cung cấp dịch vụ công của tỉnh; triển khai nhiều ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp như Smart Nam Định; ứng dụng Zalo trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến… nhằm giúp cơ quan quản lý cập nhật nhiều cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chính sách pháp luật của Nhà nước và chủ trương đầu tư cũng như phổ biến những quy định của các cấp chính quyền đối với thực tế vai trò, nhiệm vụ của từng công dân. Đồng thời cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch tương tác qua lại 2 chiều với cơ quan quản lý Nhà nước ngay trên thiết bị di động thông minh. Sở TT và TT, Công ty AIC đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên các phường, xã trên địa bàn phát hành 60 nghìn tờ rơi về ứng dụng Smart Nam Định cho người dân; trực tiếp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng các ứng dụng này trên máy tính cá nhân, điện thoại thông minh để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ đời sống cũng như phản ánh kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước qua các ứng dụng truy cập, quản lý điều hành tại Trung tâm điều hành ĐTTM. Đây là cơ sở để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tương tác với chính quyền  thông qua các dịch vụ đô thị. Hiện tại Sở TT và TT lựa chọn dịch vụ đô thị có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều nhất để nâng cấp, nhân rộng trở thành các dịch vụ ĐTTM trọng điểm của các đô thị trên toàn tỉnh. Sở cũng phối hợp với doanh nghiệp viễn thông tổ chức chương trình cung ứng điện thoại thông minh với giá thành hợp lý, lắp đặt hệ thống wifi tại các khu di tích và nhiều điểm công cộng để người dân có đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ĐTTM và tương tác với chính quyền ngay khi cần thiết.  

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Về lộ trình dài hơi, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ CĐS bởi chỉ khi số hóa được các dữ liệu thông tin ở tất cả các ngành, các lĩnh vực trong cuộc sống mới vận hành khai thác được trung tâm điều hành ĐTTM và giải quyết mọi công việc một cách hiệu quả, minh bạch nhất. Ngày 31-12-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung thực hiện 3 trụ cột chiến lược là: xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có: 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số (bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tư pháp…) để cung cấp dịch vụ công kịp thời, “một lần khai báo, trọn đời phục vụ” người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Mục tiêu phát triển kinh tế số: đến năm 2025 chiếm 10% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đối với phát triển xã hội số với chỉ tiêu đưa hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 40%. 

Thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương, đơn vị nhanh chóng bổ sung số hóa, liên thông dữ liệu phục vụ điều hành của chính quyền và giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp theo 7 nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động CĐS; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực. Ngay trong năm 2021, sẽ đẩy nhanh số hóa 5 lĩnh vực (giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông và logistics, tài nguyên môi trường) nhằm tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng; tiếp đó sẽ sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu; tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, ngành Y tế đã tích cực phát triển nền tảng khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe, giảm tải cho các cơ sở y tế, hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”. Ngành Giáo dục  và Đào tạo phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Lĩnh vực nông nghiệp xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và phòng, chống thiên tai. Lĩnh vực giao thông vận tải sẽ phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào giao thông đô thị. Ngành Tài nguyên môi trường triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên môi trường, cảnh báo sớm thiên tai. Các doanh nghiệp viễn thông đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng cung cấp hạ tầng số, nền tảng số phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp CĐS cũng như xây dựng xã hội số. Đặc biệt ngay trong năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thông minh để từng bước xây dựng xã hội thông minh và người dân thông minh trên toàn tỉnh.

Với kết quả đã đạt được và các định hướng phát triển đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực triển khai của ngành chức năng, các địa phương, tạo niềm tin và thu hút người dân chủ động tương tác trực tuyến với chính quyền, nhất là khi UBND tỉnh và Tập đoàn VNPT đã ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2021-2025, Chương trình hành động xây dựng ĐTTM hứa hẹn sẽ đạt kết quả cao, góp phần tác động đến mọi lĩnh vực, đời sống, xã hội, giúp cuộc sống của người dân tích cực hơn./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com