Vụ xuân năm 2021, nông dân tỉnh ta gieo cấy lúa trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, ít sâu bệnh nên được mùa toàn diện. Đây là kết quả của sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và bảo đảm cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống; sự tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc, bảo vệ lúa xuân của nông dân theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp.
Nông dân xã Trực Chính (Trực Ninh) thu hoạch lúa xuân. |
Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, bước vào sản xuất vụ xuân năm nay, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố, các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi các địa phương tập trung lấy nước đổ ải phục vụ làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân năm 2021. Nhờ có đủ nguồn nước chất lượng nên các địa phương đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện làm đất kịp thời, bảo đảm ngấu ngả theo phương châm “ruộng chờ mạ”. Do có sự chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất nên bà con nông dân trong tỉnh đã đồng loạt xuống đồng gieo cấy nhanh, gọn, tập trung theo khung thời vụ đã được ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố thống nhất xây dựng. Theo đó, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy 71.790ha lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất, trong đó có 99% diện tích cấy trà xuân muộn. Diện tích sản xuất các giống lúa thuần gần 89%, lúa lai chiếm 11%, tương đương vụ xuân 2020. Thời điểm cuối vụ, thời tiết nắng đều, lúa chín nhanh, thuận lợi cho việc thu hoạch. Các huyện, thành phố đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn người dân huy động nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh, gọn lúa xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết: Qua báo cáo sơ bộ của các địa phương và kết quả kiểm tra trong suốt vụ cho thấy, lúa vụ xuân năm nay phát triển tốt, ít sâu bệnh, việc phòng trừ các lứa sâu, bệnh hại đạt hiệu quả tốt nên năng suất bình quân trên toàn tỉnh cao hơn so với vụ xuân năm 2020. Các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh là những địa phương dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa xuân. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân tập trung sử dụng các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ như: Bắc thơm 7 kháng bạc lá, TBR279, Nàng xuân, NĐ5, HDT10; những chân ruộng chua, mặn hoặc úng trũng sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao: Nhị ưu 838, CT16, TX111, Tej vàng, TH3-3...
Việc xây dựng các mô hình cánh đồng lớn và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất tiếp tục được quan tâm mở rộng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 217 cánh đồng lúa với tổng diện tích 11.176ha; tại các cánh đồng lớn đều sử dụng phương thức mạ khay - máy cấy, giúp giảm công lao động, chi phí đầu tư đầu vào, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Các huyện có phong trào phát triển cánh đồng lớn và mở rộng áp dụng cơ giới hóa nhanh là: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh và Giao Thủy. Toàn tỉnh đã thực hiện gieo sạ 43.075ha bằng 60% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân, tương đương so với vụ xuân 2020. Các huyện có diện tích lúa gieo sạ nhiều là Ý Yên 10.200ha, Vụ Bản 7.780ha, Nam Trực 7.100ha, Nghĩa Hưng 4.910ha, Xuân Trường 4.520ha, Trực Ninh 3.760ha, Mỹ Lộc 1.670ha. Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất - bao tiêu lúa thương phẩm giữa doanh nghiệp với HTX và xã viên cũng tiếp tục được mở rộng, mang lại hiệu quả thu nhập ổn định cho các bên. Mô hình liên kết của Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh), Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường tổ chức thuê gom ruộng đất hình thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, lúa lai F1 với diện tích 340ha đã mang lại lợi nhuận bình quân đạt 30-50 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập của người nông dân/ha cao gấp trên 3 lần so với cách làm cũ. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) với các hộ nông dân tích tụ ruộng đất và hơn 30 HTX dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh có quy mô 500ha, dự kiến sản lượng thu mua khoảng 2.000 tấn thóc thương phẩm, thu nhập của người dân trên mỗi ha bình quân tăng 8-10% so với đại trà. Mặt khác, sự phối hợp giữa ngành Nông nghiệp với các địa phương, doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong việc thực hiện các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới như sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa; tăng cường mở rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa; tiếp tục mở rộng nhanh diện tích các giống lúa mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: LT2 kháng bạc lá, Thiên Trường 900, QL301, QS88, TBR89, Koji, Nếp Đài Loan, Hana112, VNR20… để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa của tỉnh.
Tuy nhiên, thời tiết cuối tháng 4, đầu tháng 5 có một số ngày mưa to kèm theo gió lớn ảnh hưởng đến quá trình trỗ bông, phơi màu và làm cho một số diện tích lúa xuân bị đổ khiến năng suất giảm. Tình trạng ốc bươu vàng gây hại gia tăng nhiều hơn so với vụ xuân năm ngoái với diện tích nhiễm là 10.350ha. Nguồn ốc bươu vàng ở vụ xuân còn tồn tại nhiều kết hợp nền nhiệt độ cao thuận lợi cho ốc sinh sản nhanh và gây hại trên những diện tích lúa sạ và lúa mới cấy, đặc biệt ở những vùng ruộng trũng gần mương máng là diện tích thường bị ốc gây hại nặng trong vụ mùa...
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng nhìn chung vụ xuân năm 2021 đã giành được kết quả thắng lợi toàn diện. Thành quả trên là tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác./.
Bài và ảnh: Văn Đại