Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp vì có các ca mắc COVID-19 dẫn đến phải thiết lập vùng cách ly toàn bộ các hộ dân một xóm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân, Đảng bộ, UBND huyện Trực Ninh đã tập trung lãnh đạo, động viên cả hệ thống chính trị đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch; tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ bộ phận "một cửa" huyện Trực Ninh hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hành chính.
|
Đáng chú ý, huyện làm tốt công tác quản lý thị trường, đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân; ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để “găm” hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá hàng hóa bất hợp pháp. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho hoạt kinh doanh, mua bán của tiểu thương, doanh nghiệp và người dân, huyện triển khai Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, thực hiện các thủ tục đánh giá mức độ an toàn tại 23/23 chợ và các doanh nghiệp trong diện phải đánh giá. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống dịch COVID-19 theo quy định, hướng dẫn của ngành Y tế. Nhằm đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo điều hành đồng thời phòng chống dịch, huyện quyết liệt chỉ đạo thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên môi trường internet, giảm bớt việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người.
Sản xuất nông nghiệp đã hoàn thành thắng lợi sản xuất lúa và cây màu vụ xuân với tổng diện tích 7.329ha, năng suất, chất lượng cao; kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng lây lan, bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng ưu tiên cho các doanh nghiệp, các đối tượng sản xuất trên địa bàn huyện vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, thời hạn và lãi vay phù hợp. Trong điều kiện sức tiêu dùng sụt giảm do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, huyện đã chú trọng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ dân nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, tăng khả năng liên kết từ các khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhóm các doanh nghiệp thuộc 9 làng nghề của huyện được tập trung hỗ trợ phát triển các mặt hàng thế mạnh, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; hướng dẫn lựa chọn đầu tư sản phẩm tham gia chương trình OCOP để tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Huyện quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng như đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án khu đô thị tập trung thị trấn Cổ Lễ, đường Trực Đại - Trực Thái, triển khai thi công khu dân cư tập trung xã Trực Thái. Tập trung thực hiện công tác quy hoạch, lập điều chỉnh các quy hoạch trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư như: điều chỉnh quy hoạch xây dựng 4 xã Trung Đông, Trực Thuận, Trực Khang, Trực Cường; đề xuất bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đến năm 2025, giai đoạn đến năm 2030.
Thời gian tới, huyện Trực Ninh xác định tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bám sát, nắm vững tình hình, kịp thời tận dụng thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm cần thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; duy trì các hoạt động tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế, thúc đẩy sản xuất và cải thiện đà tăng trưởng, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiệu quả, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh. Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; đảm bảo lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân; đi đôi với tăng cường quản lý thị trường, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Toàn huyện phấn đấu năm 2021 đoạt một số chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đạt 8%; giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 2.150 tỷ đồng; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 8.350 tỷ đồng trở lên; giá trị xuất khẩu 325 triệu USD trở lên./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy