Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Trong các đô thị loại V có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn trung tâm, thị tứ tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Các đô thị đã góp phần thúc đẩy sự đô thị hóa và phát triển các vùng phụ cận cũng như toàn tỉnh.
Một góc thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). |
Mục tiêu phát triển đô thị theo Quyết định số 3023/QĐ-UBND ngày 31-12-2019 của UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa vùng miền của mỗi đô thị. Các quy hoạch đều được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, có khả năng tạo đột phá về hạ tầng đô thị; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới. Các quy hoạch đô thị được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai góp phần hình thành các cực đô thị phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hoà với môi trường, tăng tỷ lệ đô thị hoá nông thôn. Đầu năm 2021 Sở Xây dựng đã tổ chức ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ và dự toán 2 đồ án quy hoạch trọng tâm gồm: Lập Quy hoạch phân khu IX.A (điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý; khu vực phía bắc đường Nam Định - Phủ Lý) và Quy hoạch phân khu IX.B (Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý; khu vực phía nam đường Nam Định - Phủ Lý). Bên cạnh đó, Sở đã đăng tải hồ sơ mời thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gói thầu Tư vấn khảo sát địa hình, lập đồ án các quy hoạch: xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 và xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Triển khai thực hiện nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp đơn vị liên quan lập chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định, giai đoạn 2021-2030; phạm vi ranh giới của đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên gần 188km2. Chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định gồm: lập danh mục, lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị bao gồm các khu vực phát triển đô thị mới, khu đô thị mới, mở rộng, cải tạo, bảo tồn, tái thiết hoặc đô thị có chức năng chuyên biệt cho từng giai đoạn 5 năm và ưu tiên giai đoạn đầu (5 năm và hàng năm) phù hợp các giai đoạn của quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và UBND các địa phương thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch trên địa bàn; tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Tập trung xây dựng, sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tích hợp đồng bộ các lĩnh vực, thống nhất với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Tập trung thực hiện tốt các Quy hoạch trọng điểm như: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040. Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn các huyện đến năm 2030; Quy hoạch vùng liên huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng; Quy hoạch vùng liên huyện Giao Thủy, Hải Hậu,… Tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ, bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng, Lạc Quần nối đường ven biển để tăng cường tính kết nối, giảm tải cho Quốc lộ 21 và các quy hoạch xây dựng khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, ngân sách địa phương và tích cực huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên đầu tư, sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội như: hoàn thành dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Bến Mới, cầu Đống Cao; Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định - Ninh Bình - Hòa Bình và các dự án tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C,... Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần và Lạc Quần nối đường ven biển; Cầu Ninh Cường. Nghiên cứu, đề xuất đầu tư tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa các đoạn đê biển, đê sông trong đó ưu tiên xử lý các điểm xung yếu, các công trình phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả thiên tai; củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi theo quy hoạch; đầu tư xây dựng cảng cá Quần Vinh; Sớm hoàn thành và khai thác hiệu quả cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Hoàn thành dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; phấn đấu hoàn thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại vị trí mới, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Khu thiết chế Công đoàn. Tiếp tục triển khai và hoàn thành các khu đô thị, khu dân cư tập trung của các huyện, thành phố đồng bộ, hiện đại./.
Bài và ảnh: Thành Trung