Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

08:07, 20/07/2021

Trước tình hình các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như viêm da nổi cục, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm... luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi của tỉnh; các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa đồng bộ. Trong đó thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, duy trì ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

Trang trại của anh Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu) thường xuyên tiêu độc khử trùng lối đi lại, góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Trang trại của anh Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu) thường xuyên tiêu độc khử trùng lối đi lại, góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Từ đầu năm đến nay, tại các địa phương trong tỉnh liên tục phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, tháng 1-2021 xảy ra 2 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm tại huyện Ý Yên, Vụ Bản; số gia cầm phải tiêu hủy là 1.577 con. Bệnh viêm da nổi cục phát hiện lần đầu tại xã Hồng Quang (Nam Trực) vào ngày 7-1-2021, đến nay đã phát sinh ở 191 hộ chăn nuôi ở 62 xã, thị trấn của 9 huyện. Tổng số bò mắc bệnh là 301 con, tiêu hủy 18 con. Từ đầu tháng 5-2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh ở 99 hộ chăn nuôi tại 23 xã của 3 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Trực Ninh. Đặc biệt, hiện nay nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao do vi rút cúm gia cầm A/H5N8 đã xuất hiện ở Việt Nam. Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao, trong khi đó tổng đàn gia cầm của tỉnh lớn, mật độ chăn nuôi cao, chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; số gia cầm được tiêm vắc-xin phòng cúm đạt tỉ lệ thấp; thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mưa nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm… Do hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát; chuồng trại xây dựng không đúng quy định, nằm xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại các địa phương còn nhiều bất cập, có nơi chưa được quan tâm thực hiện. Tỉnh ta chưa chủ động được hoàn toàn về giống gia cầm, giống lợn nên người chăn nuôi phải nhập giống từ nơi khác về; trong đó còn tình trạng mua con giống không rõ nguồn gốc có nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh trong khi có phương thức lây lan phức tạp.

Trước diễn biến khó lường của các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là các bệnh viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn tập trung kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2021 tới lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố để triển khai công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật. Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; chủ động lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn, gia cầm để xét nghiệm phát hiện sớm dịch bệnh; giám sát, kiểm dịch vận chuyển động vật ra vào tỉnh. Công tác xử lý ổ dịch phát sinh được thực hiện theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN và PTNT quy định về phòng, chống dịch động vật trên cạn; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4-9-2020 của UBND tỉnh. Đối với bệnh cúm gia cầm A/H5N8 mặc dù chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh song nguy cơ xâm nhiễm, lây lan rất cao. Vì vậy để chủ động ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt hạn chế thấp nhất vi rút cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi; giảm thiểu ô nhiễm; kiểm soát tốt hơn môi trường chăn nuôi, nhất là ở các vùng chăn nuôi tập trung. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, quản lý, xử lý tốt chất thải chăn nuôi. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng. Tổ  chức thực  hiện  nghiêm  việc  kiểm  dịch  tại  gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn, nhất là những trường hợp vận chuyển gia cầm, con giống gia cầm, sản phẩm gia cầm từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý cho biết: Một trong những biện pháp căn cơ để tiêu diệt mầm bệnh, các chủng vi rút, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan là thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Vì vậy, Chi cục đã tích cực phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường trong tháng 4-2021. Tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ 15 nghìn lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn và hộ chăn nuôi đã chủ động mua thêm 2.250 lít thuốc sát trùng và 72 tấn vôi bột để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ động vật, nơi có ổ dịch cũ, bãi rác thải; xử lý chất thải chăn nuôi… theo Hướng dẫn số 138/HD-SNN của Sở NN và PTNT. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số địa phương, cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ tồn tại mầm bệnh phát sinh, lây lan.

Việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là giải pháp quan trọng bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com