Bảo quản và chế biến sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của quy trình sản xuất nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản còn hạn chế không chỉ khiến tỷ lệ hao hụt cao mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, làm giảm sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ nông sản.
Sơ chế, bảo quản ngao nguyên vỏ trước khi xuất bán ra thị trường tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định). |
Tỷ lệ hao hụt cao
Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2020 của Sở NN và PTNT nêu rõ công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch chậm phát triển nên chưa nâng được giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Chỉ riêng khâu bảo quản sau thu hoạch chưa tốt đã khiến tỷ lệ nông sản tổn thất ở mức cao. Cụ thể: tỷ lệ tổn thất ở cây có hạt là trên 10%; rau, củ, quả 20-50%; thủy hải sản từ 30-35%; tỷ lệ tổn thất sản lượng trong và sau thu hoạch của lúa là 11-13%; ngô 13-15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát, chế biến. Tương ứng tỷ lệ hao hụt đối với lúa, ngô trên 100 nghìn tấn, rau củ quả trên 50 nghìn tấn và thủy sản trên 10 nghìn tấn mỗi năm. Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị giảm chất lượng do không được làm khô, bảo quản đúng cách. Nông sản thường được phơi trực tiếp dưới nắng nên khi đưa vào máy xay xát dễ bị nứt vỡ, không đảm bảo chất lượng và mẫu mã thành phẩm nên giá bán không cao. Đặc biệt, khi thời tiết mưa to kéo dài, đúng vào thời kỳ thu hoạch rộ nông sản (nhất là ở vụ lúa mùa) nông sản không thể phơi khô, hay bị lên men, mọc mầm, thậm chí nhiễm nấm aflatoxin (đối với ngô) khiến giá ngô hạt thương phẩm bị giảm từ 10 đến 20%; gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng. Nông dân tuy đã đầu tư cho sản xuất song mới chỉ tập trung ứng dụng công nghệ vào các khâu ban đầu như làm đất, vận chuyển, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh... Khâu thu hoạch và sau thu hoạch chưa ứng dụng nhiều kỹ thuật công nghệ. Hợp tác xã Dược thảo Hoàng Thành Nam Định, xã Trực Nội (Trực Ninh) đang sản xuất lúa, hoa màu, cây dược liệu như trạch tả, sài đất, hoa cúc chi... trên diện tích hơn 5ha ruộng. Trước đây, khi mới bắt tay vào sản xuất, sản phẩm của hợp tác xã thường bị thất thoát nhiều do làm không tốt khâu bảo quản sau thu hoạch. Nhiều khi vào vụ thu hoạch gặp mưa, bão kéo dài vài ngày, thóc lúa, dược liệu không được phơi nắng ngay là mọc mầm hoặc thối nát, cố “cứu chữa” thì sản phẩm cũng không đẹp màu, thơm nên giá trị không cao khi xuất bán. Tương tự như thế, vùng trồng lạc ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Vụ Bản, Ý Yên đều chưa áp dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Hầu hết sản phẩm sau thu hoạch đều bán luôn nguyên liệu thô cho thương lái tại ruộng, phần còn lại phơi nắng theo cách thủ công để dành bán lẻ. Tuy nhiên do thiếu điều kiện kỹ thuật bảo quản nên sau khi phơi khô, bà con nông dân chỉ đóng bao, cất ở góc nhà; thỉnh thoảng mang ra phơi lại ngăn nấm mốc. Cách làm ấy khiến sản phẩm dễ bị côn trùng xâm nhập, gây nấm mốc mất giá trị thương phẩm. Các hộ dân vùng trồng rau màu xã Yên Dương (Ý Yên) cho biết: Nông dân chăm chỉ cấy cày, được mùa bội thu thì mừng mà ít quan tâm đến việc giảm thất thoát nông sản. Chi phí máy móc thu hoạch và thiết bị hỗ trợ sấy khô nông sản rất cao, ít người có khả năng đầu tư nên việc bảo quản nông sản gặp nhiều khó khăn… Do đó việc tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng bảo quản nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch là vấn đề không chỉ cần ngành Nông nghiệp quan tâm.
Cần quan tâm đầu tư công nghệ sau thu hoạch
Giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương trên thị trường là mục tiêu mà Sở NN và PTNT đang hướng tới. Do đó, việc tập trung đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển nông sản được coi là vấn đề then chốt. Để giải bài toán khó cho việc giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, Sở NN và PTNT đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định, để tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho công nghiệp chế biến; hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi từ vốn để đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; khuyến khích sơ chế nông sản tại nguồn; đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân... Thời gian qua không chỉ các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh), Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên), Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định) mà các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ cũng đã quan tâm đầu tư thiết bị chế biến hiện đại từ khâu thu hoạch, bảo quản, áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ sấy chân không chất lượng cao để nâng cao giá trị nông sản. HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Yên Mỹ (Ý Yên) đã đầu tư công nghệ khử khuẩn cho rau bằng phương pháp sục khí Ozone trước khi đóng gói, xuất ra thị trường. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nguyễn Hữu Bản, cho biết: Đặc thù sản phẩm rau củ là dễ bị dập nát, hư hỏng, vì vậy bảo quản sau thu hoạch giữ vai trò quan trọng. Việc khử khuẩn để loại bỏ vi sinh vật nhiễm vào rau giúp loại trừ tác nhân làm cho rau dễ bị phân hóa, mau hỏng. Không những thế làm tốt khâu sơ chế còn bảo vệ chất lượng rau trong quá trình vận chuyển. Do đó sản phẩm nhanh chóng được kết nối đầu ra với hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng. Tại các vùng trồng rau màu vụ đông nếu như trước đây các loại củ quả như bí xanh, cà rốt, củ cải chỉ được xuất bán thô thì nay đã chuyển sang chế biến một phần nhờ ứng dụng công nghệ sấy khô rau củ. Theo đó bí xanh, cà rốt, cải củ vào vụ thu hoạch rộ được một số cơ sở thu mua chế biến trà thảo dược, hay các loại rau sấy khô… Không chỉ rau mà cả các loại hoa như hoa hồng, hoa nhài hay rau gia vị như là bạc hà, tía tô, cần tây cũng được chế biến thành các loại trà, nước uống đóng chai… Các vùng trồng ngô nếp ở Vụ Bản, Ý Yên đã áp dụng kỹ thuật thu hái ngô khi trời tối để giữ nguyên độ dẻo, ngọt. Đối với thủy hải sản, các cơ sở thu mua phân phối đầu tư sơ chế làm lạnh sâu, sử dụng công nghệ màng đá để tiệt trùng và kéo dài thời gian tươi ngon của sản phẩm sau khi đánh bắt góp phần quan trọng giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng bảo quản nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, thời gian tới, Sở NN và PTNT, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản trước khi đưa ra thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giúp các hộ sản xuất nâng cao kỹ năng bảo quản đối với từng loại nông sản, bảo vệ tối đa chất lượng sản phẩm. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi để tăng tính chuyên sâu trong từng công đoạn sản xuất đối với từng loại nông sản./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương