Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ

07:07, 08/07/2021

Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, tỉnh ta đã tích cực hỗ trợ người chăn nuôi thông qua việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh với nhiều nguồn vốn khác nhau, góp phần tăng năng suất, chất lượng chăn nuôi, giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Trang trại bò giống của gia đình anh Lương Văn Lập, thôn Đào, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Trang trại bò giống của gia đình anh Lương Văn Lập, thôn Đào, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Thực hiện Quyết định số 50, tỉnh ta đã tích cực triển khai Chương trình Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp với nội dung giúp các hộ chăn nuôi xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Có nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình, anh Nguyễn Việt Hùng ở thôn Nam Sơn, xã Yên Lợi (Ý Yên) đã đầu tư xây dựng 5 hầm khí biogas để xử lý chất thải từ 5 dãy chuồng nuôi lợn của gia đình theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Đánh giá về hiệu quả các hầm khí sinh học biogas, anh Hùng cho biết: Với lượng nuôi thường xuyên từ 200-300 con lợn thịt, hơn chục con lợn nái, chưa kể đàn lợn con theo mẹ, hàng ngày trang trại của gia đình anh phải xử lý lượng lớn nguồn chất thải từ đàn lợn và phế phẩm, thức ăn dư thừa. Toàn bộ nguồn chất thải của đàn lợn đều được thu gom vào hầm khí biogas xử lý, vừa tạo khí gas làm chất đốt; nước thải qua xử lý dùng để tưới cây ăn quả, rau xanh nên đã hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững trong điều kiện dịch bệnh gia súc hiện vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh… Anh Hùng chỉ là 1 trong số 5.719 hộ trong toàn tỉnh được Chương trình Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp của tỉnh hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học biogas. Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, mặc dù tỉnh ta không ban hành cơ chế, chính sách riêng để thực hiện Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ vì thời điểm văn bản ra đời số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh rất lớn tới trên 80% ngành chăn nuôi. Nếu ban hành chính sách riêng tỉnh sẽ rất khó bảo đảm nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho người chăn nuôi, vì thế UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tập trung hỗ trợ chăn nuôi nông hộ phát triển thông qua việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn để hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình khuyến nông quốc gia và của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Quỹ thiện tâm, Chương trình hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp. Toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 70 tỷ đồng cho phát triển chăn nuôi nông hộ. Mặc dù Nam Định không được hưởng chính sách hỗ trợ về giống nhưng tỉnh đã hỗ trợ Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh nuôi 300 con lợn nái, 300 con lợn đực giống ông, bà để sản xuất ra con giống bố, mẹ, góp phần tạo nguồn lợn giống chất lượng để cung cấp cho người chăn nuôi trong tỉnh với giá bán hợp lý. Trước năm 2015 tỷ lệ phối giống bò, lợn nhân tạo của tỉnh đạt rất thấp với khoảng 20%; việc người dân chở lợn đi phối giống trực tiếp tại các hộ nuôi ảnh hưởng đến hiệu quả phối giống, gây ô nhiễm môi trường. Trọng lượng lợn hơi xuất chuồng thời điểm đó bình quân chỉ đạt 65 kg/con; đồng thời là một trong những nguyên nhân làm lây lan các loại dịch bệnh trên gia súc, ảnh hưởng đến an toàn đàn vật nuôi. Thông qua việc hỗ trợ thực hiện thụ tinh nhân tạo, đến nay tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn lợn của tỉnh đạt hơn 80%, từ đó đàn lợn đực giống giảm quá nửa so với năm 2015, trọng lượng lợn hơi xuất chuồng tăng cao với trọng lượng bình quân đạt 84 kg/con, chất lượng thịt cao hơn. Nhờ chất lượng con giống tăng mà năm 2020 mặc dù số lượng đàn lợn không tăng nhưng sản lượng thịt lợn hơi vẫn tăng 3%, góp phần gia tăng giá trị sản xuất từ 3,3-3,5%/năm; chăn nuôi chiếm 44% giá trị nội ngành nông nghiệp. Chương trình phối giống nhân tạo cũng góp phần cải tạo đàn bò lai Sind ngày càng tăng, thay thế giống bò vàng truyền thống trước đây. Chương trình hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong tỉnh xây dựng gần 6.000 hầm khí sinh học biogas, từ đó tiếp tục nhân rộng, đến nay đạt trên 20 nghìn hầm, góp phần xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ khác như nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi không xả thải làm phân hữu cơ... từ đó đã giúp chăn nuôi nông hộ phát triển có hiệu quả, bền vững.

Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, mặc dù khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại lớn, quy mô tập trung song với đặc thù của tỉnh đồng bằng “đất chật người đông” như Nam Định thì tỉnh vẫn phải duy trì tỷ lệ hợp lý việc phát triển chăn nuôi nông hộ để bảo đảm sinh kế cho người dân nông thôn và đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường hiện nay. Đối với đàn bò, việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ dẫn tinh viên… Vì vậy, thời gian tới, Nam Định đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên cơ sở kế thừa và bổ sung một số cơ chế, chính sách mới bảo đảm phù hợp với Luật Chăn nuôi, thực tế thị trường và yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân, góp phần thúc đẩy chăn nuôi nông hộ phát triển chuyên nghiệp, bền vững, an toàn dịch bệnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



Đồ ăn chó Thức ăn Ganador

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com