Chuẩn hóa quy trình hoạt động, loại bỏ nhiều thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết để rút ngắn thời gian và chi phí phát sinh trong giải quyết công việc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức… là những chuyển biến tích cực sau thời gian triển khai, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hoạt động của UBND cấp xã và các đơn vị, phòng, ban của huyện Nam Trực, góp phần từng bước xây dựng nền hành chính khoa học và xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm “một cửa” UBND huyện Nam Trực. |
Đồng chí Lưu Quang Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực khẳng định: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 là công cụ nhằm chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC, tạo sự công khai, minh bạch; tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Thấy được tầm quan trọng đó, thời gian qua, huyện đã đầu tư kinh phí, hỗ trợ các cơ quan hành chính Nhà nước triển khai đẩy mạnh áp dụng ISO 9001. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch về cải cách hành chính, trong đó có việc áp dụng hệ thống ISO trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, công chức đảm bảo từng người nắm vững các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng ISO. Thường xuyên rà soát hệ thống quản lý chất lượng và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực quản lý để kịp thời bổ sung những quy trình mới, loại bỏ những quy trình cũ đã hết hiệu lực, có báo cáo về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ). Đặc biệt, từ năm 2019, huyện Nam Trực đã thực hiện chuyển đổi từ phiên bản cũ ISO 9001:2008 lên ISO 9001:2015 đối với tất cả các phòng, ban quản lý Nhà nước. Đến nay, 100% phòng, ban trực thuộc UBND huyện đã xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 với tổng số 146 quy trình bao phủ 209 thủ tục hành chính cấp huyện trên tất cả các lĩnh vực: Tư pháp, Công Thương, Y tế, Thanh tra, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Văn hóa - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường...
Từ đầu năm 2021 đến nay, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của huyện đã tiếp nhận 1.951 hồ sơ và giải quyết 100% số hồ sơ tiếp nhận. Mặc dù theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ, việc áp dụng ISO ở cấp xã là không bắt buộc song huyện Nam Trực vẫn khuyến khích các địa phương đẩy mạnh áp dụng, hỗ trợ cho công tác cải cách hành chính từ cơ sở. Hiện đã có 13/20 xã, thị trấn xây dựng, áp dụng ISO 9001:2015. Dự kiến đến hết năm 2021, 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ xây dựng, áp dụng ISO 9001:2015. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn ISO tại huyện Nam Trực đã hình thành các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từ việc tổ chức, thu thập, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực, công việc. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức đã chủ động, có trách nhiệm hơn, giải quyết gọn từng việc, hạn chế thấp nhất việc chậm hoặc quá hạn hồ sơ. Lãnh đạo đơn vị điều hành công việc hiệu quả hơn, nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch, thống nhất và tránh được tình trạng gây phiền hà của cán bộ, công chức. Điều quan trọng hơn là chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính được nâng cao; tạo dựng được lòng tin và sự hài lòng của người dân, tạo môi trường làm việc khoa học. “Qua đó, làm chuyển biến căn bản tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ” - đồng chí Lưu Quang Tuyển cho biết thêm.
Tại xã Nam Hùng, một trong 13 xã của huyện áp dụng thực hiện tiêu chuẩn ISO 9001:2015 từ năm 2019, các phòng làm việc, đặc biệt là bộ phận “một cửa” UBND xã tạo ấn tượng tốt với người đến giao dịch. Nơi làm việc được sắp xếp ngăn nắp, khoa học; có biển hiệu, tên cán bộ phụ trách từng lĩnh vực cụ thể, rõ ràng; các bộ thủ tục, các bước tiến hành, quy trình làm TTHC được niêm yết công khai. Đội ngũ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, xử lý công việc nhịp nhàng, minh bạch bằng các quy trình, hướng dẫn theo mô hình hệ thống quản lý chất lượng giữa các khâu; giảm lãng phí thời gian, nâng cao năng suất và chất lượng công việc. Người đến giao dịch làm thủ tục thấy hài lòng với phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Hiện xã Nam Hùng đã xây dựng, áp dụng ISO 9001:2015 với tổng số 110 quy trình TTHC trên 11 lĩnh vực. Từ đầu năm đến nay, xã Nam Hùng đã tiếp nhận 952 hồ sơ TTHC, đã giải quyết xong 951 hồ sơ và 1 hồ sơ đang được xử lý. Đồng chí Mai Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đa số cán bộ, công chức của xã còn trẻ nên nhận thức và tiếp cận với hệ thống quản lý chất lượng ISO khá nhanh. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức xã đã chủ động, có trách nhiệm hơn, giải quyết gọn từng việc. Lãnh đạo xã cũng điều hành công việc hiệu quả hơn nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch, thống nhất. Chị Nguyễn Hồng Nhung, xóm Đông Nam cho biết: Khi xã áp dụng hệ thống quản lý mới, TTHC được niêm yết công khai cho người dân biết trước. Chẳng hạn khi đi đăng ký lại khai sinh theo hướng dẫn tôi chuẩn bị các giấy tờ đầy đủ như: căn cước công dân, sổ hộ khẩu thường trú, bản sao giấy khai sinh, các giấy tờ khác của mình để chứng minh ngày, tháng, năm sinh và mối quan hệ cha, mẹ, con... nên không còn phải đi lại nhiều, việc giải quyết nhanh gọn. Ngoài ra, việc giải quyết các TTHC khác ở bộ phận “một cửa” cũng rất nhanh gọn, cán bộ luôn tận tình hướng dẫn khi đến giao dịch.
Cuối năm 2020, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001 tại huyện Nam Trực. Kết quả, điểm thẩm định thực tế của Nam Trực đạt 86,5/100 điểm, là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong việc áp dụng ISO. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 ở Nam Trực vẫn còn những tồn tại cần quan tâm tháo gỡ như: đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên có sự điều động, luân chuyển giữa các ngành, bộ phận; công chức phụ trách hệ thống ISO còn kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho việc theo dõi, duy trì tại các bộ phận hiệu quả chưa cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, còn có sự thay đổi, khiến các thủ tục hướng dẫn, biểu mẫu cũng phải thay đổi, gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO, việc thực hiện giải quyết TTHC, chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, hướng đến xây dựng nền hành chính văn minh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh