Hải Hậu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật

08:07, 30/07/2021

Nhiệm vụ phát triển chăn nuôi của huyện Hải Hậu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp, các loại dịch bệnh động vật luôn tiềm ẩn và có nguy cơ phát sinh, lây lan. Đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái xuất hiện, lây lan nhanh ở các xã, thị trấn; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Vì vậy huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm này để bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. 

Toàn bộ lối đi vào trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng, xã Hải Lý đều được rắc vôi bột để khử trùng bảo đảm an toàn cho đàn lợn.
Toàn bộ lối đi vào trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng, xã Hải Lý đều được rắc vôi bột để khử trùng bảo đảm an toàn cho đàn lợn.

Ngày 10-5-2021, đàn lợn của gia đình ông Trần Bình Lương ở xóm 1, xã Hải Nam có 1 con lợn nái, 1 con lợn thịt bị ốm. Sau khi có thông tin, lực lượng chức năng của huyện, xã đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Ngay sau đó, ngày 12-5, UBND huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Hải Nam tổ chức tiêu hủy 2 con lợn mắc bệnh theo đúng quy trình hướng dẫn của các ngành chức năng. Theo số liệu tổng hợp của UBND xã Hải Nam, từ ngày 5 đến 26-6-2021, trên địa bàn xã bệnh DTLCP tiếp tục xuất hiện lây lan nhanh ra 20 hộ chăn nuôi ở các thôn, xóm với 24 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, tổng trọng lượng là 1.673kg… Không chỉ xã Hải Nam mà bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh, lây lan ra nhiều xã, thị trấn khác trong huyện. Đến ngày 29-6, UBND huyện Hải Hậu đã công bố bệnh DTLCP trên địa bàn 20 xã, thị trấn, tiêu hủy 373 con lợn với tổng trọng lượng là 13.856kg, tại 94 hộ chăn nuôi. Ngoài ra huyện còn công bố dịch viêm da nổi cục tại 5 xã với số bò, bê mắc bệnh là 19 con, tiêu hủy 2 con. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh động vật phát sinh, lây lan là do hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát; chuồng trại xây dựng không đúng quy định, nằm xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Công tác quản lý đàn vật nuôi, nhất là việc tổ chức đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi của chính quyền cấp xã còn hạn chế; việc phối hợp triển khai các dự án phát triển chăn nuôi chưa chặt chẽ. Công tác giám sát, thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật chưa kịp thời. Việc quản lý người hành nghề thú y, cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn huyện chưa cao. Quá trình vệ sinh, tiêu độc, xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại các địa phương còn nhiều bất cập, có nơi chưa được quan tâm thực hiện. Bệnh DTLCP chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh và phương thức lây lan phức tạp. Một số nơi không duy trì được mạng lưới thú y cơ sở; đội ngũ thú y viên tuổi cao, trình độ chuyên môn yếu, kỹ năng tuyên truyền, vận động hạn chế; địa phương không bố trí kinh phí để huy động lực lượng thú y viên tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh nên kết quả tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là một số bệnh nguy hiểm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. Tập trung rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn, tổ chức ký cam kết đến từng hộ nuôi không giấu dịch, khi xuất bán lợn phải báo cho xã để kiểm tra, theo dõi. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi mua vôi bột, hóa chất để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, các tuyến đường dẫn vào hộ chăn nuôi có động vật bị bệnh. Đài Phát thanh - Truyền hình huyện tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và các kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả; khuyến cáo người dân tạm dừng việc tái đàn, giữ vệ sinh môi trường chuồng trại, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn cho nhân viên thú y cơ sở sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi; cách nhận biết bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và biện pháp phòng chống dịch; phương thức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đúng cách… Đối với các xã, thị trấn đã phát sinh dịch, UBND các xã, thị trấn tập trung tổ chức thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp khoanh vùng dập dịch, khống chế dịch trong diện hẹp, không để lây lan. Chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng phối hợp tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; chủ động lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn, trâu, bò và gia cầm để xét nghiệm phát hiện dịch bệnh; giám sát, kiểm dịch vận chuyển động vật ra vào địa bàn. Có giải pháp kiểm soát tốt hơn môi trường chăn nuôi, nhất là ở các vùng chăn nuôi tập trung. Tăng cường truyên truyền hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, quản lý, xử lý tốt nguồn chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng. 

Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nên đến thời điểm này, huyện Hải Hậu đã cơ bản kiểm soát được bệnh DTLCP, viêm da nổi cục. Đến ngày 27-7, huyện đã có 18/20 xã, thị trấn được công bố hết DTLCP; 5 xã được công bố hết dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Hải Hậu sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, cảnh bảo dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ nuôi; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch từ cấp cơ sở lên cấp huyện, tỉnh theo quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đợt tiêm phòng vắc xin chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn với các chủ hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 20-1-2015 của UBND tỉnh. Tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn huyện; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ và nơi có ổ dịch cũ./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com