Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm

08:07, 13/07/2021

Tiêu thụ là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nhiều loại sản phẩm hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế và tâm lý của người sản xuất. UBND tỉnh đã sớm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động phương án tìm giải pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đảm bảo sản xuất duy trì và phát triển.

HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Vụ Bản) trưng bày sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức.
HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Vụ Bản) trưng bày sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức.

Vùng rau sạch xã Yên Cường (Ý Yên) có tiếng ở cả trong và ngoài tỉnh từ nhiều năm nay bởi rau xanh được sản xuất theo quy trình hữu cơ khép kín. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cả vùng trồng rau đối diện với nhiều khó khăn bởi giá bán đã hạ lại khó tiêu thụ. Vừa ngậm ngùi bỏ lứa rau trước, vụ rau sau chưa kịp thu hoạch thì địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thêm một lần nữa, vùng rau sạch xã Yên Cường lại rơi vào tình trạng không xuất bán được bởi các bạn hàng đều từ chối nhập sản phẩm từ vùng dịch. Hàng loạt sản phẩm từ rau các loại, dưa chuột vào thời điểm thu hoạch đành để phí. Nhiều vùng sản xuất khác tuy không bị “cú huých kép” như người dân vùng trồng rau xã Yên Cường nhưng cũng rơi vào tình trạng đứt gãy kênh tiêu thụ sản phẩm. Theo ước tính của Sở NN và PTNT, ở hầu hết các vùng nuôi cá nước ngọt, nước lợ hay khai thác đánh bắt thủy sản đều khó bán hàng giá đồng loạt giảm, trong đó nhiều loại đặc sản nuôi cũng chịu chung tình cảnh tiêu thụ cầm chừng, sản phẩm tồn đọng vừa không bán được hàng, vừa phải đầu tư để duy trì, lỗ chồng lỗ. Cứ giữ tình hình tiêu thụ như hiện nay, người chăn nuôi sẽ không có vốn quay vòng tái đầu tư và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Trước thực trạng này, các ngành chức năng đã chủ động có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương đã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp giao dịch bán hàng trên sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ thuongmainamdinh.vn. Sở cũng giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh tham gia các lớp học về kỹ năng kinh doanh trực tuyến và tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử của các thương hiệu có uy tín… cũng như tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức trực tuyến. Sở Công Thương đã làm việc với Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố thống kê số đơn vị, cá nhân, hợp tác xã có sản xuất và chế biến hàng nông sản, thủy sản để cung cấp thông tin cho các đơn chế biến, tiêu thụ và phân phối nông sản lớn của các tỉnh trong khu vực theo nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị; gửi  thông tin sản phẩm nông sản của tỉnh đến các tỉnh bạn, trao đổi kết nối tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp hai tỉnh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất đã tìm được đầu ra cho sản phẩm; đơn vị tiêu thụ thì tìm được nguồn hàng ngay tại địa phương với chất lượng đảm bảo, giá cả tốt. Tại Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản do Sở Công Thương phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức vừa qua đã có 6 biên bản nghi nhớ tiêu thụ sản phẩm được ký kết và liên tục duy trì; đồng thời việc cung cấp thông tin cụ thể về những thị trường tiềm năng đối với từng ngành hàng, từng sản phẩm cũng như rào cản thương mại, “bẫy” thương mại thường xảy ra trong giao thương quốc tế để các doanh nghiệp chủ động ứng phó. Sở NN và PTNT chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo thu nhập cho người sản xuất. Hỗ trợ người dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, tem nhãn và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản địa phương để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện cách ly theo quy định. Sở Giao thông Vận tải cũng hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp vận tải đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tạo điều kiện luân chuyển nông sản một cách nhanh nhất. Việc hỗ trợ thông tin để các doanh nghiệp, đơn vị và địa phương kết nối tiêu thụ nông sản đã tạo hiệu ứng tốt, sản lượng hàng đã tiêu thụ hết với giá bán hợp lý, phần nào giúp người sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh (Hải Hậu) đã mở thêm được hệ thống đại lý tại thành phố Hà Nội. Tại hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 29, với sản phẩm xuất khẩu (ngao nguyên vỏ đông lạnh, thịt ngao đóng hộp) và sản phẩm nội địa (nghêu sống “Nghêu Sạch Lenger”, thịt ngao đông lạnh, nem và chả thịt ngao đông lạnh) của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, đã có 9 đoàn khách nước ngoài và hơn 20 công ty Việt Nam đến giao dịch tại gian hàng của tỉnh, tìm hiểu và trao đổi thông tin, liên hệ làm việc tìm cơ hội hợp tác. Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cũng đã có buổi làm việc hữu ích với ông Vũ Khắc Nguyên - Trưởng Ban hợp tác kinh tế Việt - Nga của Chính phủ, bàn về khả năng hợp tác giữa Công ty với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm ngao xuất khẩu sang thị trường Nga. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường hỗ trợ hội viên và người dân thu hoạch nông sản, phải đảm bảo đúng, đủ chủng loại, sản lượng nông sản; chủ động tính toán thành lập các tổ hỗ trợ từng nhóm hộ, có phương án an toàn vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, tránh tình trạng bị thương lái ép giá nông sản. Hưởng ứng chương trình này, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dự báo việc tiêu thụ hàng nông sản sẽ còn khó khăn, Sở Công Thương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị đánh giá khả năng của các kho dự trữ bảo quản các sản phẩm thiết yếu, tăng cường hoạt động thu mua, mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời tăng cường nhân lực, nâng cao công suất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản nhằm tích cực hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi ép giá để trục lợi, gian lận thương mại, gây thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng. Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động trong việc tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản; áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch; ứng dụng mô hình số hóa nông nghiệp để người dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ nông sản./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com