Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước kết quả giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đến hết tháng 5-2021 đạt 45,6% kế hoạch năm trong tổng nguồn vốn đã giao chi tiết là 4.156,997 tỷ đồng. Trong các tháng đầu năm 2021, Nam Định tiếp tục được đánh giá cao trong công tác giải ngân VĐTC, nằm trong “top” 10 tỉnh đạt kết quả cao nhất trên cả nước. Đạt được kết quả tích cực này, là do tỉnh đã xác định đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng, là tiền đề để tiếp tục vực dậy kinh tế trong thời điểm chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19; đồng thời các sở, ban, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng giải ngân VĐTC.
Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong thi công tỉnh lộ 487B. |
Đáng kể là việc chủ động khắc phục khó khăn, bất cập khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng. Thứ hai là việc giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, cũng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhiều nhà thầu. Nhiều thời điểm, giá thép xây dựng tăng hơn 40%; các loại vật liệu khác cũng tăng giá khiến không ít nhà thầu muốn giãn tiến độ, thi công cầm chừng, thậm chí tạm dừng thi công để tránh thua lỗ khi không có quyết định cân đối bù giá, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, các ngành, các địa phương đã tích cực định hướng, cùng nhà thầu xây dựng thống nhất nhận diện vấn đề đối với các dự án đầu tư công trọng điểm, việc chậm hoàn thành không những kìm hãm tăng trưởng, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ chung và gây áp lực nợ công cho Nhà nước. Từ đó động viên các nhà thầu nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng công trình. Các ngành, các địa phương thường xuyên kiểm tra thực tế, tổ chức họp định kỳ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện các dự án xây dựng sử dụng VĐTC. Nhờ đó, các dự án sử dụng VĐTC, nhất là các dự án trọng điểm, đều được đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể, dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần đến nay đạt giá trị khối lượng thi công khoảng 300/734,35 tỷ đồng tổng mức đầu tư của dự án; khối lượng thực hiện dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I đến nay đạt khoảng 2.026,6/2.839 tỷ đồng tổng mức đầu tư của dự án...
Bên cạnh đó, để tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực các ngành, các địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ, kịp thời tham mưu tỉnh điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, HĐND tỉnh ra Nghị quyết về chấp thuận danh mục các dự án bố trí vốn ngân sách địa phương quá thời hạn quy định chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Cụ thể có 10 dự án bố trí vốn từ tiền đấu giá các khu đô thị, khu dân cư tập trung thuộc các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và 60 dự án tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành thuộc các nhóm công trình gồm: 4 công trình khoa học, công nghệ, 6 công trình giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, 2 công trình ngân sách tỉnh đối ứng các dự án ODA, 18 công trình nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản, 14 công trình giao thông, 4 công trình xây dựng, cải tạo trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước, 3 công trình y tế, dân số và gia đình, 1 công trình văn hóa, 1 công trình thể dục thể thao, 1 dự án mua sắm, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật cho Trung tâm Phát thanh - Truyền hình tỉnh, 4 công trình quốc phòng, an ninh, 1 công trình xử lý môi trường, 1 công trình cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu du lịch. 25 dự án thuộc danh mục không được bố trí hoặc đã bố trí nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, trong đó có 20 dự án không còn được cấp nguồn vốn ngân sách Trung ương và 5 dự án không còn được cấp vốn trái phiếu Chính phủ.
Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân nguồn VĐTC, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 được tỉnh đánh giá là “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng lực thu hút đầu tư của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ động điều chỉnh linh hoạt bảo đảm tỷ lệ tổng vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án trọng điểm, phần còn lại thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Giảm dự án chưa cần thiết và ưu tiên VĐTC cho phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh với các dự án góp phần tăng năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực, nhất là trong công nghiệp; cải thiện một bước cơ sở hạ tầng, trong đó, có hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm có quy mô lớn, có sức lan tỏa, kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thiện các thủ tục để khởi công đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh; triển khai thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn II); Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh; Xây dựng mới Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Xây dựng trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định, Nhà máy điện rác Greenity Nam Định tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc), các dự án nhà máy nước sạch nông thôn. Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Bến Mới; hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng cầu Đống Cao... Các sở, ban, ngành, các địa phương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh bám sát thực tế đầu tư của các dự án sử dụng nguồn VĐTC để kịp thời xác định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án, không để xảy ra tình trạng tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm; kịp thời có phương án cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, báo cáo cấp có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân vi phạm và cố tình gây cản trở, khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân VĐTC.
Trong điều kiện tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh còn chậm so với sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Hồng; quy mô nền kinh tế còn hạn chế, tỉnh sẽ tăng cường các giải pháp huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để giảm áp lực khi nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển của Nhà nước có xu hướng giảm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, đẩy mạnh thu hút, xã hội hóa đầu tư công, tăng tỷ trọng vốn của khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do đây là xu hướng tích cực và phù hợp với định hướng tái cơ cấu đầu tư, giảm tỷ trọng đầu tư của Nhà nước./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy