Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh để thích ứng ngân hàng tín dụng hướng mạnh vào việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng nội địa và việc cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn góp phần kích thích tăng sức mua, từ đó thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung cho vay tại phân khúc khách hàng nhỏ lẻ; khó hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng là xu hướng phù hợp với chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ.
Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Bùi Ngọc Kiên ở thôn Bồi Đông, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Để thu hút khách hàng vay tiêu dùng, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã thiết kế đa dạng các sản phẩm, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt. Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Nam Định tập trung cung ứng gói vay cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, xe ô tô và tiêu dùng với hạn mức vốn từ 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, với thời hạn vay tối thiểu 24 tháng, lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 6 tháng đầu và 9%/năm trong 6 tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, HDBank Chi nhánh Nam Định còn triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua ngân hàng số như: vay online - duyệt hồ sơ qua App HDBank, phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng HDBank… giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch mà không phải đến ngân hàng trong mùa dịch. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thành Nam và Chi nhánh Nam Định tập trung triển khai gói cho vay 50 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7%/năm trong 6 tháng đầu và cộng thêm biên độ 0,5%-2%/năm, sau thời gian ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân. Ngân hàng này cũng đang triển khai sản phẩm vay trả góp mang tên “Vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo” với những ưu điểm nổi bật như: không cần tài sản đảm bảo cho khoản vay; hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng; thời hạn cho vay dài tối đa 84 tháng giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ; lãi suất cạnh tranh tính trên dư nợ giảm dần; thủ tục vay đơn giản, thuận tiện; thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng từ 1-3 ngày làm việc… Để kích cầu tiêu dùng, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên ngân hàng điện tử của ngân hàng này mà không cần bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào; giải ngân online chỉ sau vài phút; hạn mức vay từ 10-100 triệu đồng với kỳ hạn vay từ 6-60 tháng; lãi suất vay dao động từ 15,9%/năm tính trên dư nợ giảm dần. Tương tự, khách hàng vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Nam Định cũng không cần tài sản đảm bảo hay tiền thế chân, vẫn được vay tối đa lên tới 10 tháng thu nhập thực tế (không vượt quá 300 triệu đồng), thời gian vay linh hoạt từ 6-60 tháng, tùy vào khả năng tài chính của khách hàng… Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank) Chi nhánh Nam Định đã triển khai gói vay hạn mức 9.000 tỷ đồng, hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn chỉ từ 5%/năm. Gói vay áp dụng cho mọi nhu cầu vay cá nhân từ mua nhà, mua ô tô, vay kinh doanh cho đến vay tiêu dùng. Một trong những ưu điểm nổi bật của gói vay, ngoài lãi suất hấp dẫn được áp dụng riêng cho khách hàng, cơ chế cho vay được tối giản, thủ tục giải ngân nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều triển khai hỗ trợ khách hàng tính toán khoản vay với các lãi suất linh hoạt ngay trên giao diện hệ thống. Người vay sẽ dễ dàng tính toán được thời gian trả, số tiền lãi phải trả, lãi suất vay phù hợp với túi tiền của mình.
Bên cạnh cơ hội về tiềm năng tăng trưởng lớn trong năm 2021, thị trường cho vay tiêu dùng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng chưa cao, việc hỗ trợ, môi giới tín dụng chưa đầy đủ, trong khi tài chính tiêu dùng thường có thời hạn cho vay ngắn và lãi suất cao hơn của các ngân hàng thương mại nên có một số ít khách hàng đã không trả được nợ đúng hạn. Một số cá nhân môi giới đã có cách hành xử vượt mức cho phép tạo ra bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu tới hoạt động dịch vụ tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, thị trường tài chính tiêu dùng cũng gặp thách thức khi ngày càng nở rộ nhiều phương thức lừa đảo trên nền tảng internet. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người thu nhập thấp tìm đến các thông tin cho vay tiêu dùng được quảng cáo trên các mạng xã hội, ứng dụng cho vay tiêu dùng chưa được xác thực, từ đó rơi vào các bẫy lừa đảo chiếm đoạt tiền, hoặc trở thành con nợ của “tín dụng đen”, gây ra nhiều hệ lụy xã hội khó lường. Điều này cũng gây ra không ít thách thức, ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của các ngân hàng, công ty tài chính, đồng thời kìm hãm sự phát triển minh bạch của thị trường cho vay tiêu dùng. Do đó, các ngân hàng một mặt đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng phục vụ tiêu dùng cá nhân, mặt khác cần nâng cao chất lượng xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, bố trí nguồn vốn phát triển các gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải thận trọng lựa chọn cho mình chiếc “cần câu” phù hợp bằng cách tìm hiểu thêm về các gói cho vay tiêu dùng với các sản phẩm cho vay linh hoạt, thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống, như cho vay tiền mặt, vay mua xe máy, thiết bị điện tử gia dụng và thẻ tín dụng. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch tài chính toàn diện phù hợp với thu nhập và khả năng trả nợ để tránh món vay trở thành nợ xấu, khách hàng “mất điểm” tại các ngân hàng, gây ra hệ luỵ mất an toàn trật tự xã hội./.
Bài và ảnh: Đức Toàn