Các ngân hàng tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn

08:07, 23/07/2021

Bước qua 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lãi suất huy động vốn của các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn đồng thời tăng sức cạnh tranh thu hút dòng tiền so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. 

Khách hàng gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn tại trụ sở giao dịch của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Khách hàng gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn tại trụ sở giao dịch của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Theo đó, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng nhẹ so với hồi đầu tháng trước. Lãi suất của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Nam Định với 7,2%/năm cho khoản tiền từ 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không tất toán trước hạn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định vừa điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tháng 6 thêm 0,1%/năm tại các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng lên lần lượt là 5,7-6,3-6,4%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định tăng từ 0,1-0,3%/năm với các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 và 24 tháng lần lượt áp dụng là 5,8 và 6,5%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tiền tại quầy là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm. Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định vừa triển khai gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất gửi tiết kiệm truyền thống. Một số ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Nam Định với 7,4%/năm cho khoản tiền từ 30 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng. Còn tại hệ thống chi nhánh 4 ngân hàng lớn trên địa bàn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), biểu lãi suất vẫn giữ ổn định so với thời điểm đầu tháng 5-2021 và cũng là mức thấp nhất trong hệ thống. Theo đó, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này đồng loạt niêm yết ở mức 5,6%/năm, trừ Vietcombank cao nhất ở mức 5,5%/năm.

Đây là động thái mạnh mẽ của các ngân hàng nhằm thu hút dòng tiền gửi không kỳ hạn (gọi tắt là CASA). Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao đóng vai trò quan trọng vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2-0,5%/năm. Tỷ lệ CASA càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Bên cạnh đó, CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng. Có thể nói, tỷ lệ CASA phản ánh niềm tin và đánh giá của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Tỷ lệ này cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế. Bởi vậy, tăng CASA càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược ngân hàng bán lẻ và trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của nhiều ngân hàng trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, để thu hút CASA, nhiều ngân hàng đã hy sinh một phần phí giao dịch như chuyển tiền liên ngân hàng, phí duy trì tài khoản, phí thường niên… đồng thời, đẩy mạnh chất lượng các tiện ích dịch vụ hiện đại đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán số của các khách hàng. Nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh phát triển “dịch vụ 0 đồng” miễn, giảm phí giao dịch như Techcombank, MB Bank, TPBank và mới đây thêm Vietcombank và Vietinbank. Đồng thời, tung các gói ưu đãi về dịch vụ như Vietinbank với gói E-Fast Mobile, Vietcombank với gói tài khoản VCB Eco, VCB Advanced, VCB Pro, VCB Plus… 6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 78.068 tỷ đồng, tăng 12.225 tỷ đồng (18,6%) so với đầu năm. Ngoài ra, thu hút CASA cũng giúp các ngân hàng dần cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, giảm từ 50% xuống 40% vào  ngày 1-10-2021, dự tính sẽ tiếp tục giảm còn 30% trong 2 năm tới. CASA được tính vào vốn ngắn hạn của ngân hàng. Trong khi đó, nếu huy động có kỳ hạn như 1 tháng, 3 tháng ngân hàng phải trả 4-5%/năm. Vốn rẻ hơn lại luôn có sẵn trong ngân hàng nên đây được coi là nguồn vốn đệm giúp tăng khả năng thanh khoản cho ngân hàng.

Thời gian tới, trong bối cảnh thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, cuộc đua tăng nhẹ lãi suất cùng các chính sách miễn, giảm phí giao dịch kết hợp gia tăng tiện ích thanh toán trực tuyến giữa các ngân hàng được nhận định sẽ vẫn tiếp diễn với nhiều cải tiến hơn mang lại trải nghiệm ưu việt hơn cho khách hàng. Không chỉ thế, việc thu hút được lượng lớn khách hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được một hệ thống dữ liệu khách hàng lớn, kéo theo có thể bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác như: bảo hiểm, cho vay mua ô tô, cho vay du học… Đây sẽ là hướng phát triển trọng tâm của các ngân hàng nhằm thu hút tiền gửi không kỳ hạn, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro về vốn, tăng sức cạnh tranh về lãi suất cho vay./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com