Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó với dịch, thực hiện các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Người dân đến làm thủ tục ở điểm giao dịch tại xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) của Ngân hàng CSXH. |
Theo đó, các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng rà soát, thống kê, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới… để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn phù hợp theo các quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Chủ động tiết giảm chi phí hoạt động phù hợp với điều kiện tài chính của tổ chức tín dụng để làm cơ sở giảm lãi suất, giảm phí hỗ trợ khó khăn cho khách hàng. Cùng với đó, tập trung quản lý, theo dõi, ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để làm sai lệch, không đúng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của cán bộ, nhân viên ngân hàng và khách hàng vay vốn. Chủ động cân đối nguồn vốn tại đơn vị để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận và đáp ứng kịp thời về vốn, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho các hoạt động được liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 23-6-2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng gặp khó khăn với dư nợ 4.859 tỷ đồng. Trong đó, có 4.364 khách hàng (gồm 95 doanh nghiệp và 4.269 cá nhân, gia đình) với dư nợ 3.509 tỷ đồng được miễn, giảm lãi vay. Số lãi được miễn giảm là 7,6 tỷ đồng. Có 1.006 khách hàng (gồm 92 doanh nghiệp và 914 hộ gia đình, cá nhân) với dư nợ là 1.434 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Riêng Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã phê duyệt và giải ngân 241 triệu đồng cho 2 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 81.581 tỷ đồng, tăng 3.513 tỷ đồng (4,5%) so với đầu năm. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt 73.150 tỷ đồng, tăng 3.484 tỷ đồng (5%) so với đầu năm.
Theo đại diện Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định, trong 2 năm qua, Chi nhánh đã tiên phong 7 lần giảm lãi suất cho vay, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%-2,5% so với trước khi có dịch COVID-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp. Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank áp dụng chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 35 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng khá đa dạng, cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng nội tệ (VNĐ), giúp cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn. Với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi với quy mô tương đối lớn 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ là 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đặc biệt, từ ngày 16-6-2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 triển khai từ năm 2020 với quy mô 100 nghìn tỷ đồng lên 200 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Mức lãi suất cho vay bằng VNĐ với ưu đãi dưới 7%/năm. Theo đó, tùy theo đối tượng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, tương đương thấp hơn từ 2%-2,5% lãi suất cho vay thông thường, cùng đối tượng. Mức lãi suất cho vay bằng USD với ưu đãi 2%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân. Chương trình tín dụng ưu đãi kéo dài đến hết ngày 31-12-2021 hoặc đến khi hết ngân sách chương trình và được áp dụng rộng rãi tại các Chi nhánh. Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các gói vay không tài sản đảm bảo với hạn mức tín dụng lên đến 3 tỷ đồng cùng lãi suất giảm tới 2%/năm. Khách hàng sẽ được vay vốn với hạn mức tối đa 3 tỷ đồng trong 36 tháng, tùy theo nhu cầu kinh doanh thực tế như bổ sung vốn lưu động, mở rộng quy mô, mua sắm tài sản cố định, sửa chữa nhà xưởng/văn phòng… Đặc biệt, từ ngày 14-6 đến hết 30-9-2021, ngân hàng này còn giảm lãi suất thêm 0,5-2%/năm so với mức hiện hành nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, giảm bớt áp lực tài chính để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Trong khi đó, từ ngày 18-6-2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai gói vay vốn ưu đãi trị giá đến 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đối tượng khách hàng của nguồn vốn này là doanh nghiệp có quy mô từ siêu nhỏ đến lớn, đang sử dụng các dịch vụ tại Sacombank như ngân hàng điện tử, chi lương, bảo lãnh, thanh toán quốc tế… Mức lãi suất dao động từ 4%/năm đến 6,7%/năm phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động, thời hạn vay và mức độ gắn kết giao dịch với Sacombank. Nguồn vốn ưu đãi được Ngân hàng áp dụng đến hết ngày 31-12-2021 hoặc khi hết nguồn (tùy điều kiện nào đến trước).
Thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN Trung ương để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Để dòng vốn tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong nền kinh tế tỉnh, không để tình trạng doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn tín dụng, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ cùng các tổ chức tín dụng phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình, mục tiêu, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. NHNN Chi nhánh tỉnh cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Đặc biệt, NHNN tỉnh sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN./.
Bài và ảnh: Đức Toàn