Ngay từ đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ở nước ta diễn biến phức tạp trở lại, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hiện thực hóa “mục tiêu kép”, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Khách hàng thực hiện đúng các quy định 5K khi đến giao dịch với Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch xã Quang Trung (Vụ Bản). |
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định đã xây dựng kế hoạch dự phòng ứng phó khẩn cấp COVID-19 (bao gồm kế hoạch dự phòng về y tế, nhân sự, truyền thông). Đồng thời, triển khai nhanh chóng, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn hoạt động của đơn vị cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của khách hàng. Vietcombank Chi nhánh Nam Định đã tiến hành phun khử trùng, bố trí dung dịch sát khuẩn; kiểm tra thân nhiệt; quy định hạn chế đi lại, tụ tập đông người, đánh giá mức độ rủi ro và nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly, xét nghiệm đối với ca nhiễm bệnh/nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 tại tất cả các phòng giao dịch, trụ sở Chi nhánh. Xây dựng các kế hoạch làm việc từ xa, làm việc theo ca, làm việc tại địa điểm dự phòng; các kế hoạch này được kích hoạt phù hợp với diễn biến dịch bệnh, tuân thủ các quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo kế hoạch. Đối với việc tiếp khách hàng tại các điểm giao dịch, thực hiện phân luồng khách hàng ngay từ cửa ra vào để giảm thiểu số cán bộ, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng khi thực hiện giao dịch, tách biệt cửa giao dịch nội bộ để hạn chế cán bộ không liên quan tiếp xúc với khách hàng đến giao dịch. Chủ động xây dựng kế hoạch vật tư thiết bị cần thiết, địa điểm dự phòng trong trường hợp trụ sở Chi nhánh phải phong toả do dịch bệnh. Chi nhánh thường xuyên tổ chức truyền thông nội bộ bằng nhiều hình thức đến các đơn vị trong hệ thống đảm bảo sẵn sàng và chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Phổ biến kiến thức phòng ngừa dịch bệnh và ứng xử khi phát hiện nguy cơ lây nhiễm, các thông tin cập nhật chính thống về tình hình dịch bệnh COVID-19. Tổ chức cho tất cả cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống ký cam kết tuân thủ pháp luật và các quy định của cơ quan Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Truyền thông cảnh báo rủi ro đối với khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo, gian lận của các đối tượng xấu lợi dụng dịch COVID-19 để chiếm đoạt tài sản của khách hàng trong tài khoản và thẻ thanh toán… thường xuyên, liên tục đến tất cả các đơn vị và người lao động để chủ động ứng phó, bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục của toàn hệ thống. 100% cán bộ, nhân viên được tiêm vắc xin đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19. Nhờ vậy, đến hết tháng 5-2021, hoạt động giao dịch, kinh doanh của Chi nhánh vẫn diễn ra an toàn thông suốt. Tổng nguồn vốn huy động đạt 3.353 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 4.048 tỷ đồng.
Với tâm thế “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Nam Định đã lập tức kích hoạt lên một bước cao hơn nữa tất cả các biện pháp phòng chống dịch đang triển khai. Cụ thể, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định đã chỉ đạo toàn bộ các chi nhánh, đơn vị trong toàn hệ thống, đặc biệt là các địa bàn có phát sinh ca nhiễm COVID-19, sẵn sàng các phương án ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kể cả khi trên địa bàn không có ca lây nhiễm cộng đồng. Các đơn vị hoạt động liên tục luôn sẵn sàng ở trạng thái chủ động kích hoạt phương án dự phòng để đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, Chi nhánh đã thực hiện phân công luân phiên 50% cán bộ tại cơ quan và làm việc tại nhà đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt và phòng chống dịch hiệu quả. Các buổi họp đều thực hiện trực tuyến. Lắp đặt buồng khử khuẩn toàn thân, kiểm tra, kiểm soát đo nhiệt độ, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay 100% khách hàng đến giao dịch tại các phòng giao dịch, trụ sở chi nhánh. Người đứng đầu đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng, giúp cán bộ, người lao động nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch COVID-19 để nâng cao ý thức phòng ngừa song yên tâm, không hoang mang. 100% cán bộ nhân viên thực hiện nghiêm túc việc cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone và tuân thủ việc quét mã QR, khai báo y tế hàng ngày tại cổng ra vào. Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định yêu cầu tất cả các cán bộ đi ra khỏi địa bàn có ca nhiễm mới trong cộng đồng khi trở về đơn vị phải báo cáo người đứng đầu đơn vị và thực hiện khai báo y tế, các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương. Trường hợp có nguy cơ cao phải thực hiện cách ly tại nhà, xét nghiệm COVID-19 theo quy định của cơ quan chức năng. Đặc biệt, đối với bộ phận phụ trách các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị mạng, các đơn vị trong ngành chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó, kể cả phương án thay thế cán bộ khi phải cách ly, đảm bảo nhân sự điều hành hệ thống hoạt động thông suốt, an ninh, an toàn trong mọi trường hợp.
Nhìn chung, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều nhận thức rõ tầm nguy hiểm và ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Do đó, đều chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó các mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt. Đẩy mạnh ứng dụng các tiện ích hiện đại của ngân hàng số, khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế đi lại, tiếp xúc với nhiều người. Cùng với chủ động, nâng cao các giải pháp phòng, chống dịch, các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp, thông qua giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, chủ động tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đáp ứng kịp thời vốn sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, không để xảy ra gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn