Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong bối cảnh mới

04:06, 11/06/2021

Phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam là mục tiêu mà Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh hướng đến nhằm hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như cạnh tranh kinh tế khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Nhân viên điểm bán hàng Việt tại xã Trực Thái (Trực Ninh) giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Nhân viên điểm bán hàng Việt tại xã Trực Thái (Trực Ninh) giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tỉnh ta đã xây dựng được hệ thống hàng chục điểm cung ứng hàng Việt tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn. 90% người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong nước cung ứng. Tâm lý thích dùng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển từ phải vận động sang tự nguyện lựa chọn sử dụng hàng Việt thay cho các mặt hàng mác ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây. Tại hệ thống phân phối hàng hóa từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chợ truyền thống đã ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước cung ứng tới người tiêu dùng. Trong đó, một số siêu thị như Co.opMart, BigC và MiCom plaza (thành phố Nam Định); Lan Chi (Giao Thủy), CountryMart (Hải Hậu) đã duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình ở mức cao hơn 90%. Không những thế hàng Việt còn liên tục mở rộng thị trường và chủng loại sản phẩm xuất khẩu. Đến nay, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đã có mặt tại thị trường 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của tỉnh đạt 2,2 tỷ USD. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã chuyển dần từ gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu nguyên vật liệu đối với hàng dệt may; tăng cường sản phẩm nông, lâm, thủy sản chế sâu. Đây là nền tảng quan trọng cho việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh mới với mục tiêu quan trọng là phát triển thị trường trong nước từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ để đẩy mạnh sản xuất trong nước và chống đứt gẫy chuỗi cung ứng sản phẩm. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh xác định trọng tâm của cuộc vận động trong bối cảnh mới tập trung vào 3 nội dung chính gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Trên cơ sở đó các ngành chức năng đã tổ chức khảo sát điều tra thị trường tiêu dùng làm cơ sở ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng... Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được các cấp chính quyền, các sở, ngành chức năng chú trọng. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh được triển khai như: “Tôn vinh hàng Việt”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”; hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp với nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa; tổ chức hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại… Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động như “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam”; “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động” đưa hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ tập trung cũng đã được tổ chức. Đặc biệt Sở Công Thương đã phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng thành công mô hình điểm bán hàng Việt và chuỗi các cửa hàng phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất tại thị trường trong nước. Đồng thời kết nối với Sở Công Thương các tỉnh trong khu vực đưa hàng hóa sản xuất trong tỉnh giới thiệu và thâm nhập thị trường các tỉnh bạn và ngược lại. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 Sở Công Thương đã tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến toàn quốc đối với những ngành hàng trọng điểm như nông sản, thủ công mỹ nghệ, quà tặng…; hỗ trợ 52 lượt doanh nghiệp, 5 hợp tác xã tham gia 13 hội chợ, triển lãm với trên 30 gian hàng tại các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Quảng Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Kon Tum, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Cần Thơ với sản phẩm chủ lực của các làng nghề truyền thống cơ khí, gỗ mỹ nghệ, hàng may mặc, quà tặng và thủ công mỹ nghệ, nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ngoài doanh số bán lẻ tại mỗi hội chợ ước đạt hàng trăm triệu đồng, các doanh nghiệp trong tỉnh còn ký kết được nhiều hợp đồng nguyên tắc, phân phối, tiêu thụ như: trao đổi hợp tác giữa Công ty Yến Sào KonTum và chuỗi siêu thị Minmart; Công ty Cổ phần MD Queens (Hà Nội) và Siêu thị Co.opMart Nam Định; Hợp tác xã Tâm Hòa (Yên Bái), Bánh đậu xanh Hải Dung (Hải Dương) và Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định; Công ty Cổ phần May Sông Hồng và Công ty TNHH Toản Xuân. Công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhằm kịp thời ngăn chặn gian lận thương mại, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển được chú trọng. Từ đầu năm 2021 đến nay, các ngành chức năng đã làm tốt công tác phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại liên tiếp gỡ bỏ hàng chục đầu mối kinh doanh vi phạm pháp luật các loại hàng hóa từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, túi xách, đồ gia dụng, đồ điện, điện tử… Các sở, ngành liên quan và địa phương đã lồng ghép đưa nội dung việc ủng hộ hàng Việt Nam vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...); doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” với trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com