Thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử trong các doanh nghiệp

08:06, 24/06/2021

Sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia, vì vậy Nhà nước rất quyết tâm chỉ đạo áp dụng HĐĐT trên toàn bộ nền kinh tế, cụ thể đã ban hành Nghị định số 119/2020 quy định bắt buộc sử dụng HĐĐT từ ngày 1-11-2020. Tại tỉnh ta, từ năm 2015 Cục Thuế tỉnh đã triển khai chương trình sử dụng HĐĐT với đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng HĐĐT. Tuy nhiên, việc thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng HĐĐT tại địa bàn tỉnh ta cũng như tất cả các địa phương khác trên toàn quốc có một số vướng mắc dẫn đến không đảm bảo lộ trình, thời hạn đề ra. 

Cán bộ Phòng Kê khai và Kế toán thuế rà soát tổng số doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Cán bộ Phòng Kê khai và Kế toán thuế rà soát tổng số doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử. 

Theo Cục Thuế tỉnh, việc thúc đẩy sử dụng HĐĐT tại các doanh nghiệp còn vướng mắc do các nguyên nhân: Trước tiên, mặc dù Nghị định 119 đã có hiệu lực từ tháng 11-2018 song trong suốt một giai đoạn dài chưa có quy định về định dạng chuẩn dữ liệu từ Bộ Tài chính, cũng như Thông tư hướng dẫn Nghị định 119. Đáng kể, việc chưa kết nối dữ liệu đồng bộ trên môi trường mạng internet giữa các cơ quan quản lý thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường... khiến việc áp dụng HĐĐT gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp chần chừ, chưa triển khai sử dụng HĐĐT do chưa hoàn toàn yên tâm tin tưởng về vấn đề an toàn, bảo mật của HĐĐT khi thực hiện trên môi trường internet; phí áp dụng HĐĐT cao hơn so với việc sử dụng hóa đơn giấy nên nhiều doanh nghiệp có tư tưởng chờ đến thời hạn bắt buộc cuối cùng mới chuyển sang sử dụng. Về phía người dân cũng chưa có nhiều người nắm bắt được quy định thay thế hóa đơn giấy bằng HĐĐT khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giải thích về tính pháp lý HĐĐT cho khách hàng. Ngày 19-10-2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, quyết định lùi thời điểm bắt buộc sử dụng HĐĐT đến ngày 1-7-2022, đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1-7-2022.

Tuy nhiên, sau khi thực thi Nghị định 123, việc thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng HĐĐT vẫn tiếp tục gặp khó. Cụ thể là để ứng dụng, sử dụng HĐĐT, đối tượng nộp thuế phải có hệ thống máy móc, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin tương thích trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này. Ngoài đầu tư về hệ thống máy móc và trang thiết bị còn cần nhân lực có trình độ về tin học để có thể sử dụng HĐĐT trong khi trình độ sử dụng công nghệ thông tin của nhân viên, kế toán, lãnh đạo của một số doanh nghiệp chưa cao dẫn đến tâm lý ngại thay đổi cái mới. Mặt khác, việc sử dụng HĐĐT phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, đơn vị còn e ngại việc xảy ra sự cố như: mất điện, lỗi hệ thống, máy móc trục trặc không thể lập được hóa đơn khi cần thiết, gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Một số doanh nghiệp lượng hóa đơn sử dụng không nhiều, số lượng hóa đơn giấy đã in còn tồn lớn vì vậy chưa muốn sử dụng HĐĐT khi chưa bắt buộc. Nhiều doanh nghiệp có ý định chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT nhưng đang sử dụng phần mềm kế toán không tương thích với phần mềm của đơn vị muốn hợp tác cung cấp HĐĐT do đó vẫn đang trong giai đoạn cân nhắc nên sử dụng phần mềm kế toán khác hay tìm hiểu nhà cung cấp HĐĐT khác. Tại nhóm doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT, không ít doanh nghiệp gặp phải trục trặc như hóa đơn di chuyển không đúng địa chỉ, hệ thống cấp hóa đơn bị lỗi. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp cung cấp phần mềm HĐĐT không nhiều nên chưa có sự canh tranh cao để đưa ra giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp lựa chọn. Đáng bàn, do lo ngại về mặt chính sách pháp luật khi sử dụng HĐĐT trong quá trình giao dịch, lưu thông hàng hóa còn nhiều đối tượng chưa tiếp nhận HĐĐT dẫn đến những hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng; một số doanh nghiệp có tình trạng lách luật để thuận lợi trong quá trình kinh doanh nên không muốn chuyển đổi sang hình thức HĐĐT. Đến hết ngày 31-5-2021 trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 4.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, bằng 60% trên tổng số lượng tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động đã phát hành hóa đơn.

Để đảm bảo lộ trình áp dụng HĐĐT trên toàn bộ nền kinh tế nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội và nâng cao kỷ luật tài chính, thời gian tới Cục Thuế tỉnh tăng cường tuyên truyền những quy định và lợi ích của việc sử dụng HĐĐT đến doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự hiểu được những ưu điểm vượt trội của HĐĐT và sớm triển khai HĐĐT. Đẩy mạnh khuyến nghị doanh nghiệp chủ động trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho chủ doanh nghiệp cũng như nhân viên trong đơn vị để tự tin hơn khi bắt đầu sử dụng HĐĐT. Vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp HĐĐT, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực cao tham gia cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh và có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế trong đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập và giao dịch HĐĐT. Đối với các doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ nhân lực sử dụng HĐĐT; chủ động lựa chọn hợp lý các dụng dịch vụ của các công ty kế toán hoặc các đại lý thuế chuyên nghiệp và lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ HĐĐT phù hợp để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cam kết sẵn sàng hỗ trợ giải đáp mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận cũng như chuyển đổi, sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com