Thực thi quyền sở hữu công nghiệp là vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp thực thi quyền sở hữu công nghiệp và đã đạt được kết quả khả quan. Số lượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... được bảo hộ ngày càng tăng. Mặc dù vậy tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho chủ sở hữu và người tiêu dùng vẫn còn khá phức tạp.
Sản phẩm “Tỏi đen Khang Linh” của Công ty TNHH Thái Thiện, xã Hải Xuân (Hải Hậu) được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. |
Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về KH và CN, trong đó có hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ như: hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Từ năm 2018 đến nay, Thanh tra Sở KH và CN đã nhận được 8 ý kiến phản ánh trực tiếp hoặc thông qua đại diện về sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 7 đơn tố cáo vi phạm về nhãn hiệu, 1 đơn tố cáo vi phạm về kiểu dáng công nghiệp. Các đơn vị bị phản ánh có hành vi xâm phạm chủ yếu là các đơn vị kinh tế tư nhân (công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể), quy mô hoạt động nhỏ, mang tính “gia đình”. Sản phẩm sản xuất mang tính mùa vụ như bánh kẹo các loại, thường chỉ tập trung sản xuất vào giai đoạn trước Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Đối với đơn vị bị phản ánh xâm phạm về kiểu dáng công nghiệp thì hoạt động chính là gia công lắp ráp các sản phẩm, không trực tiếp sản xuất. Thông tin về hành vi vi phạm được thể hiện rõ ở các điểm: chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, văn bằng bảo hộ có liên quan, đối tượng sở hữu công nghiệp bị xâm phạm, đơn vị xâm phạm quyền, sản phẩm gắn dấu hiệu xâm phạm quyền, các kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) liên quan đến hành vi xâm phạm bị phản ánh. Căn cứ các hồ sơ do chủ thể cung cấp, Chánh Thanh tra Sở KH và CN đã ban hành 8 quyết định thành lập đoàn thanh tra gồm đại diện của các cơ quan: Sở KH và CN, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), Cục Quản lý thị trường thực hiện hoạt động thanh tra tại đơn vị bị phản ánh có sự tham dự của đại diện chủ thể bản quyền. Từ kết quả thanh tra, đoàn đã xử lý vi phạm hành chính đối với 1 đơn vị vi phạm, phạt tiền 3 đơn vị vi phạm với tổng số tiền 57 triệu đồng. Tiêu biểu là các vụ việc theo phản ánh đã được xử lý như: 1 đơn vị ở thành phố Nam Định sản xuất, bán, tàng trữ sản phẩm bánh kẹo mang nhãn hiệu “Sialipe và hình” có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Solite và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 253280; 1 đơn vị ở thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) kinh doanh máy bơm nước có chữ “VĂN - THỂ” trên sản phẩm, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Văn Thể và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 58714; 1 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơn xây dựng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “4 Oranges và hình” của Công ty 4 Oranges Co., Ltd đã được bảo hộ tại Việt Nam và còn hiệu lực; 1 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kinh doanh xe máy gắn nhãn hiệu “CUB JIPAND”, “WAYEINDONA 50v” có dấu hiệu xâm phạm bản quyền về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của Công ty HONDA Việt Nam đã được bảo hộ tại Việt Nam…
Đồng chí Lã Ngọc Anh, Phó chánh Thanh tra Sở KH và CN cho biết: Hành vi vi phạm bị xử lý chủ yếu là bán và tàng trữ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu; được xử lý đúng theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, đoàn thanh tra yêu cầu các đơn vị vi phạm loại bỏ yếu tố xâm phạm dưới sự giám sát của đại diện đoàn thanh tra. Các đơn vị bị xử phạt đã chấp hành quyết định xử lý của cơ quan thanh tra, không phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong một số cuộc thanh tra, đơn vị bị phản ánh về hành vi vi phạm nhưng vẫn tiếp tục sản xuất sản phẩm. Do đó, cơ quan thanh tra khuyến cáo các đơn vị chấm dứt sản xuất loại sản phẩm vi phạm, đồng thời tiến hành thu hồi các sản phẩm nếu đã đưa ra lưu thông trên thị trường. Có trường hợp, đơn vị vi phạm liên tục thay đổi hình thức, mẫu mã sản phẩm dẫn đến việc so sánh, đối chiếu để xác định, làm rõ hành vi xâm phạm quyền gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các thành viên đoàn thanh tra phải có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng về sở hữu trí tuệ. Đối với vụ việc phức tạp, Thanh tra Sở đều tham khảo ý kiến chuyên môn bằng văn bản với Thanh tra Bộ KH và CN. Kết luận thanh tra được thông báo đến chủ thể quyền theo đúng quy định. Thanh tra Sở đã thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị được thanh tra chấp hành kết luận thanh tra. Tuy nhiên, do sản phẩm gắn dấu hiệu xâm phạm quyền được sản xuất theo mùa vụ, ít tiêu thụ trong tỉnh, do đó rất khó thực hiện việc theo dõi, giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường, điều này cần sự phối hợp, cung cấp thông tin chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, công tác thanh tra về sở hữu công nghiệp đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức, cá nhân được thanh tra; bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền đã được bảo hộ tại Việt Nam; bảo đảm bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn có dấu hiệu gia tăng do việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thu được lợi nhuận lớn. Thời gian tới, Thanh tra Sở KH và CN tiếp tục phân công cán bộ tham dự các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ do Bộ KH và CN, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thanh tra về sở hữu công nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh