[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ 2: Những chuyển biến tích cực
Đến nay các mục tiêu ưu tiên đặt ra trong chương trình phát triển kinh tế biển của tỉnh đã tạo ra chuyển biến rõ nét, toàn diện từ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế biển (bao gồm các công trình hạ tầng trực tiếp và liên quan như cảng biển, cầu cảng, bến cá, giao thông, đội tàu…) đến các ngành kinh tế khu vực biển, ven biển như: thủy sản, công nghiệp, du lịch, nuôi trồng, khai thác nuôi trồng thủy, hải sản.
Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ (Hải Hậu) đạt OCOP 4 sao. |
Trong bối cảnh còn khó khăn về nguồn vốn ngân sách song với quyết tâm chính trị, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng được nhiều công trình trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển các ngành kinh tế ở khu vực biển và ven biển. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tại vùng kinh tế biển, tỉnh đã quan tâm sắp xếp thứ tự ưu tiên danh mục và bố trí hợp lý nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các tuyến đê kè biển xung yếu, các công trình phòng chống thiên tai khu vực ven biển để đáp ứng với điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác thủy sản xa bờ. Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ NN và PTNT cùng sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương, Khu cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) đã được Bộ NN và PTNT công bố đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I đầu tiên của cả nước theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Đây là một trong những điều kiện cơ sở để sản phẩm đánh bắt, chế biến của tỉnh có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, trong tổng thể Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh đã đầu tư dự án KCN Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, CCN Thịnh Lâm, huyện Giao Thủy; đầu tư xây dựng tổng kho và sản xuất nhập khẩu xăng dầu tại cửa biển Lạch Giang và đang tập trung thực hiện các thủ tục để sớm khởi công Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hàng loạt công trình, dự án giao thông đường bộ, đường thủy để phục vụ mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT, tiêu biểu phải kể đến các công trình: Cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang theo dự án WB6 của Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần chuyển dịch nhanh, mạnh cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, tạo sự sôi động cho các hoạt động kinh tế trong vùng. Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ triển khai thi công tháng 11-2020, dự kiến sau 3 năm sẽ hoàn tất thi công với mục tiêu xây dựng kênh, âu tàu, cầu vượt âu tàu và đường dẫn, kết nối sông Đáy với tuyến vận tải thủy ven biển qua cửa Lạch Giang, phục vụ tàu pha sông biển tải trọng đến 3.000 tấn giảm tải đi qua, góp phần phát triển vận tải thủy ven biển trên trục Bắc - Nam. Một số dự án, công trình đường bộ có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh đã được triển khai đầu tư và hoàn thành như đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Hiện tỉnh đang tiếp tục thực hiện thi công: tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, nằm trong tuyến đường bộ ven biển nối các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh.
CCN Thịnh Lâm thuộc khu vực ven biển đã hoàn tất xây dựng hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp phát triển ngành công nghiệp khu vực ven biển Giao Thủy. |
Đồng thời với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các ngành, các địa phương đã tăng cường hỗ trợ, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, tạo chuyển biến rõ nét trong các ngành có lợi thế là: thủy sản, công nghiệp, du lịch. Trong kinh tế du lịch biển, các địa phương đã chú trọng khai thác giá trị 2 khu vực đất ngập nước ven biển quan trọng là Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trên địa bàn huyện Giao Thủy và khu vực bãi bồi ven biển nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng với tổng diện tích khoảng 20.800ha. Hai khu vực này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận từ năm 2004. Riêng Vườn quốc gia Xuân Thủy được khai thác kinh tế du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng với giá trị là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam với hệ sinh thái đất ngập nước điển hình, đặc trưng ở khu vực miền Bắc, là “ga chim” quan trọng của các loài chim nước di cư. Các ngành, các huyện cũng hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường kết nối, hình thành các tour du lịch biển, nghỉ dưỡng dài ngày kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu thể thao, du lịch hội nghị, du lịch hội thảo góp phần thu hút du khách sử dụng dịch vụ của các khu tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, phế tích nhà thờ đổ xã Hải Lý.
Riêng về công nghiệp, 3 huyện có biển hiện đã thu hút 882 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Sản xuất nông nghiệp tại các huyện ven biển đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt và từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản của 3 huyện ven biển trong những năm qua không ngừng tăng lên. Nuôi thủy sản được khuyến khích, hỗ trợ để thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật. Toàn tỉnh đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất giống thủy sản đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi thả của người dân, đặc biệt đối với một số loại giống người dân đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất như giống ngao, cá bống bớp và các loại cá truyền thống. Ngành khai thác hải sản được định hướng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, phòng chống, ngăn chặn khai thác IUU. Cùng với nuôi trồng và khai thác, ngành công nghiệp chế biến cũng được chỉ đạo phát triển chiều sâu. Trong đó chế biến truyền thống chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn, hoàn thiện quy trình, đầu tư cho quảng bá xây dựng thương hiệu theo xu thế thị trường. Mặt khác, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn để tập trung hỗ trợ phát triển chế biến sâu các sản phẩm thủy, hải sản theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến cung ứng thủy sản an toàn với giá trị gia tăng cao. Đến nay tỉnh ta đã xây dựng và phát triển được 10 chuỗi với mặt hàng thủy sản, 3 chuỗi sản xuất, chế biến muối. Một số sản phẩm thủy sản của tỉnh đã định vị được thương hiệu trên thị trường như cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu, tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal, ngao sạch Lenger. Riêng sản phẩm ngao sạch Lenger đã được tỉnh hỗ trợ phát triển thành vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm đủ điều kiện trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata (chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững trên toàn thế giới). Đây là lần đầu tiên sản phẩm ngao trắng của Việt Nam, cũng là sản phẩm ngao đầu tiên của thế giới nhận được chứng chỉ này. Đây thực sự là “dấu mốc” quan trọng, góp phần định danh sản phẩm ngao trắng của tỉnh ta trên thị trường quốc tế và là cơ hội “vàng” để sản phẩm ngao thương phẩm vươn ra thế giới, thúc đẩy nghề nuôi ngao của tỉnh ta phát triển lên một tầm cao mới. Những chuyển biến tích cực của các ngành kinh tế biển đã giúp các địa phương ven biển không ngừng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
(còn nữa)
Bài: Thanh Thúy
Ảnh: Việt Thắng và Thanh Thúy