Trước tình hình diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật hiện nay, nhất là bệnh viêm da nổi cục (VDNC), dịch tả lợn châu Phi…, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương cần chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo đảm phát triển chăn nuôi của tỉnh an toàn, ổn định.
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, 6 tháng năm 2021 chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, tổng đàn lợn dự ước 645 nghìn con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 9.503 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 81 nghìn tấn, tăng 1.706 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Đàn trâu, bò dự ước 36.400 con, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đàn gia cầm dự ước 8,88 triệu con, tăng 6,17%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 15.200 tấn, tăng 409 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra bệnh cúm gia cầm, VDNC và dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Cụ thể, tháng 1-2021, bệnh cúm A/H5N6 xảy ra tại 2 huyện Ý Yên và Vụ Bản với số gia cầm phải tiêu hủy là 1.577 con; dịch đã được khống chế và không phát sinh ổ dịch mới. Từ ngày 7-1 đến 25-5-2021, bệnh VDNC trên trâu, bò đã phát sinh ở 188 hộ chăn nuôi tại 60 xã, thị trấn của 9 huyện. Tổng số bò mắc bệnh là 293 con, tiêu hủy 17 con. Từ ngày 11-5 đến 25-5-2021, bệnh DTLCP đã phát sinh ở 50 hộ chăn nuôi tại 15 xã của huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, trong đó huyện Hải Hậu có 13 xã. Tổng số lợn mắc, tiêu hủy là 145 con, trong đó có 45 con lợn nái, 82 con lợn thịt và 18 con lợn con; tổng trọng lượng tiêu hủy 9.723,5kg. Theo đánh giá của UBND huyện Hải Hậu, dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ra diện rộng…
Mô hình nuôi thỏ an toàn sinh học tại xã Hải Bắc (Hải Hậu). Ảnh: Ngọc Ánh |
Trước tình hình trên, từ cuối năm 2020 đến nay UBND tỉnh đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh động vật; yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các xã kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2021 tới lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Chi cục Thú y vùng I và các sở, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và kinh phí mua 27 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh VDNC để tổ chức triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã tổ chức lực lượng giám sát chủ động thông qua việc lấy 107 mẫu bệnh phẩm lợn xét nghiệm bệnh DTLCP; trong đó có 102 mẫu xét nghiệm bệnh tai xanh, dịch tả lợn cổ điển; lấy 214 mẫu bệnh phẩm gia cầm để đánh giá sự lưu hành của vi-rút cúm và lấy 97 mẫu gộp huyết thanh lợn để xét nghiệm bệnh DTLCP. Qua đó có sự phân tích, đánh giá và đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tại các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp hướng dẫn chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật. Đối với bệnh cúm gia cầm, tổ chức tiêu hủy triệt để đàn gia cầm mắc bệnh; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch; thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh và tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với bệnh VDNC, thực hiện công bố dịch; tổ chức quản lý, cách ly những con bò mắc bệnh, tiêu hủy bò ốm nặng hoặc chết theo quy trình kỹ thuật; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch; tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế lây lan dịch; hướng dẫn sử dụng vắc-xin phòng bệnh VDNC tiêm cho những con trâu, bò khỏe mạnh. Đối với bệnh DTLCP thực hiện công bố dịch; quản lý chặt chẽ đàn lợn tại những hộ có dịch, cách ly lợn khỏe, tiêu hủy những con lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP theo đúng quy trình kỹ thuật; thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh và tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch…
Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, bằng những biện pháp cụ thể, tích cực của ngành và các địa phương, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương đã tạm thời ổn định, bệnh VDNC trên đàn trâu, bò đã từng bước được khống chế; hiện có 44/60 xã của 5 huyện là Nam Trực, Vụ Bản, Xuân Trường, Hải Hậu và Mỹ Lộc đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên con đường truyền lây của dịch VDNC trên trâu, bò rất khó xác định nên không thể chủ quan. Vì thế UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin để tiêm cho đàn trâu, bò theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT. Sở NN và PTNT đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện các thủ tục để tiếp nhận vắc-xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò trong nửa đầu tháng 6. Vì vậy đề nghị các địa phương, người chăn nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện để tiêm phòng với tinh thần nhanh, gọn, hiệu quả. Đối với bệnh DTLCP đang có xu hướng diễn biến phức tạp, lây lan diện rộng nên các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4-9-2020 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2020-2025, trong đó đặc biệt chú ý công tác tiêu hủy lợn bị dịch. Theo đó, chỉ tiến hành tiêu hủy những con lợn mắc bệnh, lợn ốm, lợn chết và có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP; việc tổ chức tiêu hủy lợn thực hiện theo quy trình, trình tự, thủ tục bảo đảm không phát sinh mầm bệnh, không gây ô nhiễm môi trường theo hướng dẫn của các Sở: NN và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính. Việc tổ chức tái đàn thực hiện theo đúng Kế hoạch số 80 của UBND tỉnh; đối với các địa phương đã công bố hết dịch chỉ tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học và được UBND xã, cán bộ thú y cơ sở xác định bảo đảm an toàn dịch bệnh. Riêng các địa phương chưa công bố hết DTLCP thì chỉ cho tái đàn ở những trang trại không bị bệnh DTLCP và đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, Giấy chứng nhận VietGAP…
Trong thời gian tới, tình hình chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ còn nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường, các địa phương cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có đủ nguồn thực phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh./.
Văn Đại