Nhiều năm qua, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn quốc cũng như ở tỉnh ta. Năm 2021, chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới là “Phục hồi hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái (HST) bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.
Gieo ươm và trồng bần không cánh để phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Tỉnh ta có HST đa dạng và phong phú, được chia làm 9 loại chính, bao gồm: rừng trồng trên đồi, rừng ngập mặn, trảng cỏ cây bụi, đất ngập nước, đầm nuôi trồng thủy sản, bãi cát ven biển, nông nghiệp, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản ngoài đê. Trong quá trình phát triển tỉnh ta luôn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng tới khai thác an toàn, hiệu quả, bền vững các HST, đa dạng sinh học; trong đó chú trọng bảo vệ, phục hồi các HST có vai trò trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh có 72km bờ biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, vì vậy, những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với mục tiêu bảo đảm hệ thống phòng hộ bảo vệ đê điều, chống tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời góp phần gìn giữ nơi quần tụ của nhiều loài chim nước quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và phát triển du lịch sinh thái… Nhờ đó, đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có hơn 3.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển. Diện tích rừng của tỉnh tuy không nhiều nhưng có vai trò quan trọng. Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 28ha rừng phòng hộ; trồng bổ sung, phục hồi 115ha rừng phòng hộ; chú trọng chăm sóc hơn 353ha rừng phòng hộ; quản lý, bảo vệ gần 3.074ha rừng; trồng 16 nghìn cây phân tán và khoán bảo vệ 1.791ha rừng phòng hộ. HST đất ngập nước (HST nước ngọt) bao gồm sông, hồ, ao, là nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác, đồng thời góp phần điều tiết lượng nước mưa, pha loãng và xử lý nước thải của hồ. Vì vậy, các ngành, các địa phương đã tích cực bảo vệ HST tự nhiên của các vùng đất ngập nước đặc thù với mục tiêu bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học các vùng nước nội địa ở mức độ cao. Ngoài ra việc bảo vệ các HST tự nhiên các vùng đất ngập nước này còn giúp khai thác, phát triển hiệu quả các lĩnh vực du lịch - nghiên cứu - giáo dục, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng sống của dân cư. HST đầm nuôi thủy sản bao gồm thủy sản nước ngọt, thủy sản nước mặn và thủy sản nước lợ đều được các địa phương đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nuôi áp dụng các phương pháp nuôi hợp lý với các giống nuôi có khả năng thích nghi, chống chịu bệnh tật tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ đó, tại các vùng nuôi thủy sản nước ngọt ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh... bên cạnh các con nuôi truyền thống đã phát triển nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Ba ba, ếch, rắn, cá tra, cá diêu hồng. Các vùng nuôi thủy sản nước mặn đang dần mở rộng thêm diện tích do nước biển dần lấn sâu vào đất liền. Vì vậy các huyện ven biển phải từng bước thay đổi mục đích sử dụng đất, đồng thời tăng cường các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao gồm tôm, cá, cua, ngao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, sò huyết và cua bùn; đặc biệt, đã sản xuất được giống hàu sữa trong bể. Các đầm nuôi thủy sản nước lợ chủ yếu tại khu vực ven biển của huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu đã chú trọng nuôi các loại tôm, cá, ngao, cua. HST bãi cát ven biển tập trung ngoài đê biển hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, có diện tích 6.533,40ha, chiếm 3,92% diện tích tự nhiên của tỉnh, còn đang chịu tác động của các quá trình địa chất mạnh hơn rất nhiều các quá trình thổ nhưỡng. Vì vậy, HTS này gần như đang để tự nhiên, là nơi nhiều loài chim nước di cư với những đàn tới hàng chục cá thể; là nơi sinh sống của quần xã động vật đáy bao gồm cá, giáp xác có họ tôm he, họ cua bơi, tôm càng sông, cua rạm và đa dạng các các loài thân mềm 2 mảnh vỏ... tạo nguồn sinh kế cho người dân bản địa. Ở Quất Lâm, Thịnh Long… ngành du lịch đã khai thác những đoạn bờ cát mịn, rộng thoải để xây dựng thành các bãi tắm phục vụ khách du lịch. HST nông nghiệp có diện tích 87.058ha, là HST có diện tích lớn nhất của tỉnh, chiếm 52,18% diện tích tự nhiên, chủ yếu là trồng lúa nước, hoa màu và phân bố ở hầu hết các huyện. Nam Định được đánh giá là tỉnh phát triển nền nông nghiệp đa dạng và có an ninh lương thực cao ở đồng bằng Bắc Bộ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trên địa bàn tỉnh chú trọng đa dạng kiểu gen, giống lúa, tổ chức sản xuất lúa gạo theo quy trình công nghệ tiên tiến phát triển nhiều dòng sản phẩm gạo ngon, chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Bộ NN và PTNT đã ban hành Quyết định số 80/2005/QĐ-BNN, ngày 5-12-2005 phê duyệt Nam Định có 30 nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn như: Tám Xuân Đài, khoai lang Lim chợ Chùa, Nếp cái hoa vàng, Lúa dự Nam Định... Diện tích trồng hoa màu cũng được đa dạng về nguồn gen, giống, cơ cấu cây trồng, mùa vụ với các giống cây: cà chua, khoai tây, rau củ quả, đậu đỗ các loại... Những nỗ lực bảo vệ, phục hồi các HST đã giúp tỉnh là địa phương có tính đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thuỷ sản đa dạng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Vườn Quốc gia Xuân Thủy với diện tích hơn 15 nghìn ha trong đó có 7.100ha diện tích vùng lõi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới 7 HST đặc trưng và 1.646 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong, cỏ biển, động vật đáy, cá, côn trùng, bò sát, ếch nhái, chim, thú, trong đó có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị về bảo tồn.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, vận động toàn dân cùng chung tay phục hồi, bảo vệ HST, bảo tồn đa dạng sinh học; giải quyết tốt các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm các quy định bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, duy trì tiêu chí môi trường, triển khai thực hiện tiêu chí cảnh quan - môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các HST bị suy yếu. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát các công trình xử lý rác thải sinh hoạt (lò đốt, bãi chôn lấp), có kế hoạch bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, vận hành hiệu quả công trình xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy