Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ nông sản gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, giá bán thành phẩm trên thị trường ở mức thấp, tốc độ tiêu thụ chậm, trong khi giá các loại vật tư đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng khiến người nông dân gặp khó khăn. Trước tình trạng trên, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ nông, thủy sản, bảo đảm duy trì sản xuất phát triển ổn định.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Trang trại nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học của gia đình chị Bùi Thị Hằng, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu cũng không ngoại lệ). |
Khai thác lợi thế ở địa phương, những năm qua, người dân các xã vùng duyên giang trong tỉnh đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông đối diện với nhiều khó khăn bởi giá bán hạ và khó tiêu thụ. Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng từ hơn 6 năm qua nhưng chưa khi nào gia đình ông Nguyễn Văn Tung ở xóm 1, xã Xuân Châu (Xuân Trường) lại rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” như đợt này. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tung cho biết: Gia đình tôi thường xuyên có 26 lồng nuôi các giống cá đặc sản như: cá lăng, cá trắm, cá diêu hồng. Những vụ trước, thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đánh xe về tận bãi thu mua toàn bộ cá thương phẩm với giá từ 60-65 nghìn đồng/kg thì nay chỉ thu mua chọn lọc cá có trọng lượng từ 3kg trở lên với giá chỉ còn 40-45 nghìn đồng/kg. Trong khi để nuôi được 1kg cá thương phẩm phải chi phí từ 50-57 nghìn đồng để mua con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, công lao động. Tính ra, mỗi cân cá bán được ông Tung bị lỗ từ 10-12 nghìn đồng. Không những thế, từ đầu năm đến nay giá các loại vật tư đầu vào luôn tăng khiến ông “lao đao” trong việc duy trì sản xuất…
Không chỉ những hộ nuôi thủy sản như ông Tung gặp khó mà việc tiêu thụ các loại rau, củ, quả của nông dân cũng rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” bởi dịch bệnh COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đã làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhà hàng, trường học, các khu du lịch, nghỉ dưỡng; việc lưu thông bị “ách tắc” do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT), giá bán thịt lợn hơi, thịt gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm từ 15-18%, trong khi giá lợn giống vẫn ở mức cao 2,2-2,5 triệu đồng/con; giá các loại rau, củ, quả giảm 5-7%; giá thức ăn chăn nuôi tăng trên 30% so với thời điểm đầu năm. Qua nắm bắt hoạt động nuôi thủy sản của người dân trong tỉnh, toàn bộ diện tích nuôi cá nước ngọt, nước lợ, sản lượng thủy sản khai thác… đều gặp khó trong việc tiêu thụ, giá thành đồng loạt giảm, trong đó nhiều đối tượng nuôi đặc sản như cá vược, cá song, cá lăng cũng chịu chung tình cảnh “rớt giá” mà tiêu thụ vẫn cầm chừng. Cùng thời điểm này so với mọi năm đã có 70-80% diện tích nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt được tiêu thụ, tuy nhiên năm nay mới chỉ đạt 50-60% diện tích khiến sản lượng cá nuôi tồn nhiều. Với tình hình tiêu thụ như hiện nay, người nuôi cá sẽ lỗ vốn bởi tốn thêm nhiều chi phí để nuôi cầm chừng, không có vốn xoay vòng đầu tư tái sản xuất và phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh.
Trước những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, Sở NN và PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thu nhập cho người sản xuất. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi các “công cụ kỹ thuật” tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Sở NN và PTNT đã cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực cho 20 cơ sở, cấp giấy xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất cho 486 cơ sở nuôi thủy sản của các địa phương, cấp 5 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống; đồng thời công bố nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” cho Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định. Qua đó giúp các thành viên của Hiệp hội, cơ sở sản xuất và hộ chăn nuôi thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ nông sản có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản và muối khi được gắn logo, tem nhãn, bao bì và có hệ thống biển hiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường hỗ trợ hội viên và người dân thu hoạch nông sản, phải đảm bảo đúng, đủ chủng loại, sản lượng nông sản; chủ động tính toán thành lập các tổ hỗ trợ từng nhóm hộ, có phương án an toàn vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, tránh tình trạng bị thương lái ép giá nông sản.
Theo đồng chí Phạm Trọng Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trực Ninh, để ứng phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, huyện đề nghị các hội, đoàn thể chính trị, xã hội chủ động nắm thông tin về diện tích sản xuất, tổng hợp số lượng nông sản, đặc biệt là vật nuôi đến thời kỳ xuất bán để giúp các hộ tiêu thụ. Trong quá trình chăm sóc và thu hoạch nông sản, các cơ quan chuyên môn tăng cường phân công cán bộ giám sát, tư vấn, hỗ trợ nông dân để đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện cách ly theo quy định. UBND các xã, thị trấn nắm chắc tình hình, chỉ đạo, điều động hỗ trợ người dân trong vùng cách ly; thành lập các tổ hỗ trợ các hộ ở các thôn, xóm, tổ dân phố bị phong tỏa, cách ly thu hoạch nông sản, có kịch bản chi tiết số lượng hội viên của từng hội, đoàn thể, từ đó phân công từng việc cụ thể cho thành viên thực hiện bảo đảm hiệu quả. Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố cần tích cực liên hệ, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ những mặt hàng nông sản mà doanh nghiệp có nhu cầu. Đối với thị trường xuất khẩu nông sản vướng các rào cản kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc... đề nghị các đơn vị chức năng sớm cung cấp thông tin cụ thể về rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu để các doanh nghiệp có hướng giải quyết; tạo mọi thuận lợi quá trình kiểm dịch động, thực vật, kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp thương mại nông sản.
Thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động trong việc tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản; áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín đảm bảo yêu cầu xuất khẩu an toàn./.
Bài và ảnh: Văn Đại