Gỡ vướng trong xây dựng, khai thác các khu công nghiệp

07:06, 10/06/2021

Việc xây dựng, khai thác hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh. Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác xây dựng, khai thác các KCN tại địa bàn tỉnh ta.

Sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh).
Sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh).

Theo đồng chí Trần Minh Hoan, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đã được thành lập, trong đó 4 KCN đã đi vào hoạt động (Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông) có tổng diện tích 11.007ha. Các KCN ra đời đã góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng thúc đẩy cải cách hành chính trong thu hút kêu gọi đầu tư tạo môi trường thông thoáng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Đánh giá của các doanh nghiệp đang hoạt động ở các KCN tỉnh cho thấy, bên cạnh môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống hạ tầng đồng bộ, các KCN của tỉnh đều nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, kết nối các KCN ra bên ngoài và kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp vận chuyển thông suốt, nhanh chóng. Nhờ đó, các KCN trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đã tạo được sức hút đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dệt may”.

 Điểm nhấn ở KCN đầu tiên của tỉnh là KCN Hòa Xá (thành phố Nam Định) với quy mô 285,37ha, có rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động. KCN Bảo Minh giai đoạn 1 với quy mô 154,50ha đa phần đã được lấp đầy bởi các tập đoàn lớn và đang phát triển mạnh trên thế giới như Sumi Wiring thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với 3.800 công nhân; đặc biệt còn có cụm doanh nghiệp dệt may thuộc các công ty nổi tiếng với hơn 6.000 lao động của Sunrise Smart Shirts (Hồng Kông), Luentai, YulunTextile (Trung Quốc), Padmac (Đức), Junzhen (Đài Loan)... KCN Dệt may Rạng Đông được đầu tư với mục tiêu xây dựng một KCN dệt may hiện đại nhằm phát triển theo hướng khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may, đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước. Hiện giai đoạn 1 của KCN với diện tích 519,6ha đã được đưa vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho 2 nhà đầu tư thứ cấp thuộc Tập đoàn TORAY (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất hàng dệt may với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 210 triệu USD... Lũy kế đến nay, các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút 185 dự án đầu tư của 159 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký là 7.690 tỷ đồng và 1.011,512 triệu USD, vốn thực hiện là 4.218 tỷ đồng và 678,837 triệu USD. Trong đó có 51 dự án của 47 nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn lực này đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại tỉnh phát triển trong thời gian qua. Hiện các KCN đã tạo việc làm cho 4,3 vạn lao động với mức lương bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng; trong đó KCN Hòa Xá là 2,7 vạn lao động, KCN Bảo Minh 1,2 vạn lao động, KCN Mỹ Trung 0,4 vạn lao động. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, các KCN vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư. Quý I năm 2021, trong các KCN có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng là 11,962 triệu USD. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN năm 2020 đạt khoảng 23.500 tỷ đồng; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 783 triệu USD. Như vậy, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp này đóng góp khá lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh: Tiến độ triển khai dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông còn chậm; chưa thống nhất được quy hoạch hệ thống thoát nước theo phương án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông với quy hoạch hệ thống thoát nước của KCN Dệt may Rạng Đông, gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật của KCN, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao hạ tầng đã cam kết với các nhà đầu tư thứ cấp. KCN Mỹ Trung do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đầu tư dang dở, đã có quyết định thu hồi để chuyển giao cho nhà đầu tư khác tiếp tục xây dựng, song việc xử lý gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến việc hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN Mỹ Trung gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại đây chưa được đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải KCN, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn KCN còn phức tạp. Tại KCN Hòa Xá, do đặc thù về vị trí, quy hoạch, nên hiện nay trong KCN có một số diện tích đất hành lang an toàn lưới điện, cây xanh nằm lọt giữa các nhà máy hoặc giáp ranh các khu dân cư nên không có lối vào, không có đường để tiếp cận hoặc nếu có thì cũng bị những người vô ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, dân cư sống gần luôn có xu hướng lấn chiếm phần diện tích này.

Trước các bất cập kể trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, khai thác các KCN. Trong đó, tập trung hoàn tất các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng các KCN theo quy hoạch đã được phê duyệt. Chú trọng hoàn thành các điều kiện để sớm triển khai đầu tư xây dựng KCN Bảo Minh mở rộng, KCN Mỹ Thuận; từng bước lập quy hoạch chi tiết KCN Hồng Tiến. Ban Quản lý các KCN tỉnh đề xuất đối với phần diện tích đất cây xanh trong KCN Hòa Xá, UBND tỉnh xem xét có hình thức giao cho các doanh nghiệp trong KCN Hòa Xá (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để các doanh nghiệp sử dụng trồng cây xanh; qua đó vừa có thêm nguồn thu ngân sách vừa thuận lợi trong công tác quản lý, sử dụng. Đối với dự án KCN Mỹ Trung, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, kiến nghị Trung ương có giải pháp sớm xử lý dứt điểm các tồn tại để thu hút nhà đầu tư mới vào đầu tư hạ tầng KCN. Đối với KCN Rạng Đông, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương sớm thống nhất quy hoạch đối với hệ thống thoát nước của KCN và khu đô thị phía nam Rạng Đông để chủ đầu tư hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com