Giao Thủy thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai

08:06, 10/06/2021

Giao Thủy là huyện ven biển và nằm trong 3 tuyến đê, gồm: Đê biển dài 31,161km, đê sông Hồng dài 11,602km, đê sông Sò dài 8,737km. Bờ biển diễn biến phức tạp, biển tiến bãi thoái; vừa trực tiếp chịu ảnh hưởng của thuỷ triều, gió, bão, vừa chịu ảnh hưởng dòng chảy lũ sông đổ ra biển Đông gây xói lở, sạt trượt trên tuyến đê biển; nhiều khu vực biển đã ăn sâu vào đất liền… Để bảo đảm an toàn các tuyến đê cũng như hoạt động sản xuất và tài sản, tính mạng của người dân trong mùa mưa bão năm nay, huyện Giao Thủy đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bão, lũ gây ra. 

Khu neo đậu tàu, thuyền cửa Hà Lạn vừa được đưa vào sử dụng giúp tàu, thuyền tránh trú bão an toàn, giảm nhẹ thiệt hại.  Bài và ảnh: Văn Đại
Khu neo đậu tàu, thuyền cửa Hà Lạn vừa được đưa vào sử dụng giúp tàu, thuyền tránh trú bão an toàn, giảm nhẹ thiệt hại.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện Giao Thủy, hiện nay trên địa bàn huyện có một số công trình PCTT đã bị xuống cấp như: Cống Cồn Năm thuộc tuyến đê hữu sông Hồng, cống Cát Đàm thuộc tuyến đê tả sông Sò hiện đã bị xuống cấp. Kè Đồng Hiệu, thị trấn Quất Lâm thuộc tuyến đê tả sông Sò đã bị xuống cấp, chân kè bị trụt, mái kè bị sạt lở, ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đê. Trên tuyến đê biển từ Giao Lạc đến thị trấn Quất Lâm một số đoạn mặt đê bê tông bị nứt vỡ, bong bật, ảnh hưởng đến giao thông và công tác kiểm tra, hộ đê khi có yêu cầu. Tuyến kè bảo vệ khu du lịch bãi tắm Quất Lâm đã bị xuống cấp, mái kè bị bong bật cấu kiện, sập mái kè khi có triều cường, sóng lớn. Mùa mưa bão năm 2019 tuyến kè bị sóng phá làm hư hỏng dài trên 400m, mái kè bị sập, tụt từ tường chắn sóng xuống chân khay, nhiều chỗ khoét sâu vào thân kè từ 0,7 đến 1,5m; hiện đã được khắc phục tạm thời bằng giải pháp phun bê tông tươi vào vị trí bị sạt lở… Trước tình trạng trên, để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, huyện Giao Thủy đang tích cực triển khai đồng bộ các phương án, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT. Thực hiện phương châm chỉ huy tại chỗ, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 12-3-2021 về việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện gồm 32 đồng chí, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Tại các trọng điểm phòng, chống lụt bão trên tuyến đê biển, đê sông đều thành lập Ban Chỉ huy bảo vệ trọng điểm, trong đó lãnh đạo các cơ quan huyện làm trưởng ban, phụ trách chung; đồng chí chủ tịch UBND xã, thị trấn làm phó ban, phụ trách nhân lực, vật tư, phương tiện. 

Trên cơ sở kết quả tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng đê, kè, cống trên địa bàn, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện xây dựng các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu mạnh; phương án hộ đê toàn tuyến; phương án phòng, chống lũ, lụt, úng; đồng thời tổ chức diễn tập các tình huống: Kêu gọi tàu, thuyền vào neo đậu, tránh trú bão tại Khu neo đậu tàu, thuyền Hà Lạn và thực hiện sơ tán dân khi có bão mạnh, siêu bão tại thị trấn Quất Lâm. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng 3 phương án bảo vệ các trọng điểm cấp huyện, gồm các trọng điểm: Cống Cồn Năm, trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Giao Hương; cống Cát Đàm, trên tuyến đê tả sông Sò thuộc địa bàn xã Giao Thịnh; trọng điểm đê, kè Cồn Tư trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Hồng Thuận và tuyến đê, kè Đồng Hiệu trên tuyến đê tả sông Sò thuộc địa bàn thị trấn Quất Lâm. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo 22 xã, thị trấn tập trung xây dựng và củng cố lực lượng xung kích theo Quyết định số 2347/QĐ-UBND ngày 22-9-2020 của UBND tỉnh: các xã, thị trấn ven biển là 110 người/xã, các xã ven sông là 90 người/xã và các xã nội đồng 70 người/xã, lực lượng tuần tra, canh gác là 336 người và 28 trưởng điếm canh đê. Nhằm bảo đảm đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ sẵn sàng phục vụ công tác PCTT, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chuẩn bị 122 ô tô tải, 22 máy phát điện; chuẩn bị 5.300 cây tre, phi lao; 45.600 cọc tre dài 2,5m; dự trữ 19 nghìn m3 đất; 91.600 chiếc bao. Bên cạnh đó, huyện chuẩn bị 6.438m3 đá hộc tập trung tại cống Chúa 479m3; kè Cồn Ba, xã Hồng Thuận 500m3; cống Cai Đề 1.988m3, dốc Vạn Xuân, xã Giao Xuân 458m3, cống số 8B, xã Giao Long 337m3; khu vực cống Triết Giang B, xã Bạch Long 500m3; cống Cổ Vạy - ang Giao Phong, xã Giao Phong 1.638m3; tây Cồn Tàu, thị trấn Quất Lâm 100m3, cống Cổ Vạy đê Công Đoàn, thị trấn Quất Lâm 438m3; chuẩn bị 26.734m2 vải bạt chống sóng, vải lọc 5.570m2; rọ thép 746 cái; bao nilon 161.500 cái; bao tải JUMBO 1.432 cái tại kho Hạt quản lý đê Giao Thủy. Đối với công tác hậu cần tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính phục vụ kịp thời yêu cầu PCTT và TKCN của huyện. Các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính cho lực lượng chỉ huy, lực lượng xung kích của địa phương và công tác khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng phương án sơ tán dân theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Việc chuẩn bị chu đáo, bài bản, căn cơ về công tác chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” là cơ sở để huyện Giao Thủy bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com