Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịch vụ ăn uống

08:06, 23/06/2021

An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề “nóng” được người dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP, đặc biệt là đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra là tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác kiểm soát ATTP để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Hộ kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn tại chợ Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Hộ kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn tại chợ Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trên địa bàn tỉnh có 18.598 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có hồ sơ quản lý. Trong đó ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở, gồm: 1.664 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ngành NN và PTNT quản lý 10.061 cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, cơ sở sản xuất, cung ứng giống chăn nuôi thủy sản. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các cơ sở dịch vụ ăn uống là nơi có nguy cơ cao xảy ra mất ATTP và lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 bởi số lượng cơ sở đông, liên tục biến động và vẫn còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ phát triển tự phát không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Thực hiện quy định đảm bảo ATTP trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đã yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường kiểm soát theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, các ngành, các địa phương tăng cường công tác truyền thông về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm, giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP và phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: Vệ sinh trong và ngoài cơ sở; sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo an toàn; dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm sống riêng biệt với thực phẩm chín; đủ nước sạch để chế biến thực phẩm và vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ; có xà phòng, dung dịch sát khuẩn; sử dụng khẩu trang, găng tay trong chế biến thực phẩm, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về ATTP. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về VSATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo liên ngành còn tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chuẩn bị sẵn các phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; kịp thời xử lý các vi phạm gian lận thương mại về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không xác định nguồn gốc xuất xứ… Qua đó, việc tuân thủ quy định pháp luật VSATTP trong chế biến, kinh doanh cung ứng các dịch vụ ăn uống và tiêu dùng đã dần đi vào nền nếp. Tại các siêu thị, công tác đảm bảo VSATTP trong điều kiện mới được đề cao, đảm bảo điều kiện pháp lý. Trong đó các siêu thị đã xác nhận kiến thức ATTP cho các nhân viên phục ở quầy ăn nhanh và bánh mỳ. Khu vực tổ chức dịch vụ ăn uống được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, đảm bảo ATTP; cán bộ, nhân viên có sử dụng trang phục bảo hộ khi tiếp xúc với thực phẩm. Sản phẩm sản xuất, kinh doanh có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ. Công tác kiểm soát VSATTP ở khu vực nông thôn được tập trung cao độ. Tại huyện Giao Thủy có trên 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, 1.300 hộ nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm đến nay đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức kiểm tra 18 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử phạt 4 cơ sở vi phạm quy định VSATTP 11 triệu đồng. Trong đó 3 cơ sở dịch vụ ăn uống là quán ăn Việt Dịu, quán Koi - Garden cùng ở xã Hoành Sơn và cơ sở kinh doanh hải sản của gia đình anh Nguyễn Văn Phi, xóm 3 xã Giao Nhân vi phạm các lỗi như bếp ăn không đảm bảo 1 chiều, người chế biến không sử dụng bảo hộ lao động, các loại chất thải, nước thải đều không được xử lý theo quy trình, công trình vệ sinh và bếp ăn không tách biệt. Đặc biệt nhiều loại hải sản đông lạnh không có tem nhãn hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc, một số nguyên liệu thực phẩm hết hạn sử dụng; quy trình chế biến và thực phẩm không đảm bảo… Đây là những nguyên nhân dẫn đến mất VSATTP, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện nay, để tiếp tục đưa công tác đảm bảo ATTP đạt hiệu quả cao trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành chức năng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý Nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Lực lượng Y tế, Công Thương, Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát và yêu cầu các cơ sở cung ứng thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm VSATTP. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở cố tình vi phạm về VSATTP./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com