Bảo đảm nguồn cung con giống cho chăn nuôi lợn thịt

08:06, 23/06/2021

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các loại dịch bệnh động vật luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nguồn thức ăn chăn nuôi tăng giá từ 15-30%... nhưng chăn nuôi lợn của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng do người chăn nuôi đã chú trọng phát triển trở lại đàn lợn nái. Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng đàn nái hiện có cơ bản đáp ứng đủ lợn giống cho nhu cầu phát triển chăn nuôi tại địa bàn. 

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Bùi Hoàng Huy ở xã Hải Lý (Hải Hậu) thường xuyên duy trì đàn lợn nái để chủ động nguồn cung lợn giống chất lượng phục vụ chăn nuôi lợn thịt.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Bùi Hoàng Huy ở xã Hải Lý (Hải Hậu) thường xuyên duy trì đàn lợn nái để chủ động nguồn cung lợn giống chất lượng phục vụ chăn nuôi lợn thịt.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, 5 tháng đầu năm 2021, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 633.228 con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Để có được kết quả này các huyện, thành phố luôn chú trọng đến việc phát triển đàn lợn nái để chủ động nguồn con giống. Huyện Hải Hậu là một trong những địa phương dẫn đầu chăn nuôi lợn của tỉnh với tổng đàn lợn nái khoảng 15 nghìn con. Để phục hồi ngành chăn nuôi lợn, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật phù hợp với chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học… Thời điểm này, chăn nuôi lợn tại xã Hải Lý phát triển khá ổn định, với tổng đàn lợn luôn duy trì hơn 20 nghìn con. Hiện, trên địa bàn xã có hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 200-500 con lợn trở lên, có trang trại hàng nghìn con lợn. Để duy trì được tổng đàn, xã chú trọng chỉ đạo phát triển đàn lợn nái tại các hộ và trang trại, do vậy, luôn chủ động được nguồn con giống bảo đảm chất lượng cho tái đàn. Trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học của chị Bùi Thị Hằng, xóm Lê Lợi duy trì ổn định đàn 3.000 con lợn thịt, lợn nái. Chị Hằng cho biết: Để bảo đảm nguồn lợn giống cho chăn nuôi lợn thịt, chị nuôi gần 500 con lợn nái. Nhờ đó, thời gian qua trang trại không phải nhập lợn giống từ bên ngoài nên hạn chế rất nhiều nguồn bệnh lây lan, xâm nhập từ bên ngoài vào, đàn lợn nuôi luôn an toàn, khỏe mạnh, phát triển đồng đều. Trang trại của gia đình chị không bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung hay giá lợn giống tăng cao ngoài thị trường. Đây là một trong yếu tố quan trọng để phát triển chăn nuôi, kể cả trong thời gian dịch bệnh, giá lợn giống tăng cao hay giá thịt lợn hơi xuống quá thấp… Không chỉ “tự cung” đủ nguồn con giống, trang trại còn xuất bán 40% số lợn giống sản xuất ra cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã.

Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Trực Ninh là 29.755 con. Chăn nuôi lợn của huyện được duy trì và từng bước phát triển trở lại nhờ duy trì đàn lợn nái gần 6.000 con. Những xã chăn nuôi lợn trọng điểm của huyện đều có đàn lợn nái lớn như: Việt Hùng, thị trấn Cát Thành, Trực Nội, Trực Hùng, Trực Thái… với mỗi xã 300-400 con. Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh cho biết: Đàn lợn nái trên địa bàn duy trì tốt nên đáp ứng cơ bản nguồn con giống cho nuôi lợn thịt. Đây là yếu tố quan trọng để các xã, thị trấn của huyện thực hiện tái đàn lợn sau khi bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua tìm hiểu được biết, việc duy trì tốt số lượng đàn lợn nái nên các HTX chăn nuôi, trang trại và hộ nuôi lớn trên địa bàn huyện Trực Ninh đều chăn nuôi theo quy trình khép kín từ nuôi lợn nái đến sản xuất con giống rồi chuyển sang nuôi lợn thịt. Theo mỗi phân kỳ chăn nuôi từ 4 đến 6 tháng, số lượng lợn giống trên địa bàn đáp ứng đủ nhu cầu nuôi lợn thịt của địa phương.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua, trong quá trình chăn nuôi lợn, người dân trong tỉnh đã chú trọng phát triển trở lại đàn lợn nái. Hiện tổng đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đạt trên 90 nghìn con, tăng trên 15 nghìn con so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng đàn nái hiện có cơ bản đáp ứng đủ lợn giống cung cấp nhu cầu phát triển chăn nuôi của tỉnh. Việc duy trì và phát triển được đàn lợn nái đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi lợn thịt. Cùng với chủ động nguồn giống, người chăn nuôi giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực tế cho thấy, việc tự sản xuất con giống đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chăn nuôi lợn. Cụ thể, hiện nay giá một con lợn giống trên thị trường dao động từ 2,5-3 triệu đồng, chiếm 30% giá thành sản phẩm lợn thịt. Khi giá lợn thịt xuống thấp, sản xuất rất dễ bị thua lỗ do đầu tư giống cao, chưa kể thức ăn chăn nuôi tăng giá. Nhưng khi thực hiện chăn nuôi theo quy trình khép kín từ đàn lợn nái sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt sẽ giảm được 50% tiền giống. Như vậy sẽ giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, tạo cơ sở nâng cao lợi nhuận trong chăn nuôi lợn thịt; đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn cung lợn giống ngoài thị trường và hạn chế tối đa việc lây nhiễm các loại dịch bệnh động vật trong quá trình vận chuyển từ nơi khác về, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Từ thực tế trên cho thấy thời gian tới, các huyện, thành phố cần tiếp tục nỗ lực duy trì phát triển đàn lợn nái để “tự cung tự cấp” con giống chất lượng phục vụ chăn nuôi của địa phương. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai chương trình hỗ trợ nguồn con giống lợn nái hậu bị, tích cực hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi tạo nguồn con giống chất lượng hướng tới bảo đảm nguồn cung con giống chất lượng cao cho phát triển chăn nuôi lợn thịt của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



đồ ăn mèo Hạt Reflex cho mèo

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com