Thị trấn Quỹ Nhất phát triển thương mại dịch vụ

07:05, 04/05/2021

Là thị trấn trẻ ở miền hạ của huyện Nghĩa Hưng, Quỹ Nhất đã tập trung đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ trở thành đầu mối trao đổi, trung chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và dân sinh trong khu vực. Hiện, giá trị thương mại dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn; năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng giá trị thương mại dịch vụ của thị trấn vẫn đạt trên 80 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương ngày càng định vị vững chắc trên thị trường như rau vụ đông: cà chua, bí xanh, dưa chuột với sản lượng gần 3.500 tấn/ năm và gần 100 tấn cá truyền thống/năm.

Trồng dưa lê Hàn Quốc công nghệ Ixraen tại nông trại gia đình anh Vũ Văn Khá, xóm 8, thị trấn Quỹ Nhất.
Trồng dưa lê Hàn Quốc công nghệ Ixraen tại nông trại gia đình anh Vũ Văn Khá, xóm 8, thị trấn Quỹ Nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để thúc đẩy thương mại dịch vụ, Đảng ủy chính quyền thị trấn Quỹ Nhất đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho các mô hình sản xuất hàng hóa lớn phát triển; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa và kết nối để tiêu thụ sản phẩm đi đôi với phát triển công nghiệp, làng nghề. Đến nay, thị trấn đã quy hoạch hình thành rõ 3 phân khu chức năng cụ thể. Trong đó ưu tiên quy hoạch chi tiết khu vực phát triển CN-TTCN, thương mại dịch vụ (gồm bến xe khách, các tuyến phố thương mại, đất CCN) và khu vực sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất của từng loại hình mà không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Thị trấn cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn liên kết hoạt động dưới hình thức các hợp tác xã dịch vụ, hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tranh thủ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đến nay trên địa bàn thị trấn đã có 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 1 hợp tác xã dịch vụ vận tải với 60 đầu xe khách đi các tỉnh, thành trong toàn quốc và khoảng 150 hộ kinh doanh, thu gom nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm... Trong đó có 704 hộ được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN và PTNT lên đến hơn 100 tỷ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao phát triển để nâng cao thu nhập. Ngoài cây lúa cây trồng chủ lực cho nông dân thị trấn thu nhập cao là: cà chua, bí xanh, bí đỏ, ngô và rau màu các loại trồng trên đất vườn, đất bãi. Riêng vụ đông năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của thị trấn đạt 108ha; bình quân giá trị thu nhập đạt trên 170 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao phát triển mở ra hướng sản xuất mới cho người dân địa phương như: trồng rau, quả công nghệ cao tại gia đình anh Vũ Văn Khá; trồng nhân giống hoa, cây cảnh của gia đình chị Phạm Thị Hoa cùng ở khu phố 8; chuỗi sản xuất cung ứng con giống, cá chạch thương phẩm và cá chạch qua chế biến của Công ty TNHH Thỉnh Ca… Anh Nguyễn Văn Thỉnh, giám đốc Công ty TNHH Thỉnh Ca cho biết: Gia đình vốn có nghề sản xuất giống và nuôi cá chạch sụn từ nhiều năm nay. Sản phẩm đã cung ứng ra thị trường hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực. Tuy nhiên để phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của con cá chạch và mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, anh đã đầu tư công nghệ chế biến với 2 món cơ bản từ cá chạch là chạch kho tiêu và chạch chiên lá lốt theo công thức cổ truyền. Nhờ đó sản lượng cá chạch tiêu thụ của Công ty tăng thêm khoảng 5-7 tấn/năm. Tháng 10-2020, sản phẩm “cá chạch kho” của gia đình anh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao hứa hẹn khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp còn khởi sắc, đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

 Phát triển thương mại dịch vụ từ chính thế mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa của địa phương và cung ứng sản phẩm an toàn theo quy trình VietGAP với chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn đang là bước tiến mới trong quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị trấn Quỹ Nhất. Hiện tại, UBND thị trấn đang nỗ lực hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP đối với sản phẩm rau, củ, quả an toàn của gia đình anh Vũ Văn Khá; tích cực khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình tiến tới hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm đặc trưng gắn với chế biến nông sản chuyên sâu ngay tại địa phương. Đồng thời duy trì, phát triển các làng nghề hiện có (chế biến lâm sản, mây tre đan), từng bước tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, mở rộng thị trường cho các loại hàng hóa chế biến tại địa phương. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bao tiêu các loại sản phẩm thủ công như tre đan, chiếu cói, móc sợi… để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 105 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%, hộ cận nghèo còn dưới 10%./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com