Nuôi thủy sản thành vùng tập trung được xác định là một trong những hướng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.
Nuôi tôm trong nhà kính tại khu nuôi trồng thủy sản tập trung xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Ảnh chụp trước ngày 27-4). |
Những năm gần đây, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với hạ tầng đồng bộ giúp các hộ nuôi có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng. Với diện tích nuôi trồng 4,5ha, ông Đỗ Văn Tiến ở xã Giao Phong là một trong những hộ dân đang sản xuất tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện Giao Thủy. Hiện gia đình ông đang nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm và sản xuất các con giống nhuyễn thể như ngao, hàu. Ông Tiến cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng từ năm 2007 với hình thức quảng canh, đáy ao là đáy đất, nước lấy vào ao trực tiếp không qua xử lý. Với cách nuôi này, con tôm rất dễ nhiễm bệnh bởi chất thải của tôm cũng như thức ăn thừa tích tụ lâu trong ao tạo mầm bệnh. Mặt khác, nguồn nước được lấy vào ao không qua xử lý dễ đưa mầm bệnh lây lan từ ao này sang ao khác. Do đó, năm nào tôm cũng bị các bệnh như đốm trắng, đầu vàng khiến sản lượng thu về rất thấp, chỉ đạt từ 4-5 tấn tôm/ha/năm”. Năm 2018, xã Giao Phong đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi như kênh dẫn nước vào và nước ra, đường điện được đầu tư xây dựng mới, đảm bảo cho việc nuôi trồng thương phẩm cũng như sản xuất giống của toàn vùng. Ông Tiến cũng như các hộ trong vùng nuôi đã đầu tư kinh phí cải tạo lại toàn bộ ao nuôi. Thay vì 2-3 ao nuôi lớn, ông chia thành những ao nhỏ với diện tích mỗi ao từ 500-1.000m2/ao. Ao nuôi được thiết kế nổi, xây bằng bê tông, đáy được lót bạt và giữa đáy được thiết kế ống hút chất thải của tôm (xi-phông đáy) đưa ra một khu ao thải (rộng khoảng 1.500m2), xử lý bằng chế phẩm vi sinh trước khi ra kênh thải của toàn khu nuôi tập trung. Việc quy hoạch vùng nuôi tập trung vừa giúp ông và các hộ nuôi thủy sản dễ dàng áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vừa tạo điều kiện giúp người nuôi quản lý nguồn nước vào ao. Với các loại thủy sản khác nhau, nguồn nước sẽ quyết định hiệu quả nuôi trồng. Do đó, khi vào vùng nuôi tập trung, nguồn nước vào và nước ra được kiểm soát theo 2 kênh riêng đã giúp hạn chế tối đa mầm bệnh. Để an toàn hơn cho ao nuôi, ông còn áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn cho khu nuôi giúp tiết kiệm nước, tỷ lệ sống của con nuôi cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất thủy sản, những năm gần đây sản lượng tôm thương phẩm của gia đình ông tăng cao. Mỗi năm, với 17 ao nuôi tôm thương phẩm và 10 ao sản xuất các con giống nhuyễn thể, gia đình ông thu hoạch từ 10-20 tấn tôm thương phẩm/ha (tăng từ 2-4 lần so với nuôi quảng canh), sản lượng con giống đạt từ 1-2 tỷ con/năm, cho lợi nhuận của gia đình mỗi năm đạt khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài những tiến bộ khoa học đang áp dụng, hiện tại ông đang nuôi thử nghiệm 20 vạn tôm thẻ chân trắng trong nhà kính công nghiệp tại 1 ao nuôi diện tích 1.000m2. Hiện tại, tôm đang phát triển rất tốt trong điều kiện nhà kính. Nếu thành công, ông sẽ mở rộng áp dụng trên toàn khu nuôi của gia đình. Ông Tiến cho biết công nghệ này sẽ loại bỏ hoàn toàn tác động của khí hậu như bão gió, nắng hạn lên đối tượng nuôi, đồng thời giúp người nuôi điều chỉnh nguồn nước, nhiệt độ, quản lý nguồn bệnh để con nuôi phát triển ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây là công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến nhất đang được áp dụng ở một số tỉnh, thành phố, cho phép nuôi tôm với mật độ cao từ 200-500 con/m2, thời gian nuôi trồng tối đa từ 3-4 vụ/năm, năng suất đạt khoảng 200 tấn/ha/năm. Tôm nuôi sạch bệnh, không chứa dư lượng chất kháng sinh, đảm bảo đủ các điều kiện để xuất ra thị trường thế giới.
Hiện nay, toàn tỉnh có 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích khoảng 7.000ha và có trên 6.000 hộ chăn nuôi ở cả khu vực nước mặn, lợ và nước ngọt. Phương thức nuôi chuyển từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng theo quy trình VietGAP, nuôi công nghệ cao. Đối tượng con nuôi phát triển khá đa dạng và đang từng bước hình thành sản phẩm thủy đặc sản của địa phương. Các vùng nuôi tập trung áp dụng khoa học công nghệ cao ở khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp nước mặn lợ như các xã Hải Triều, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu), xã Giao Phong (Giao Thủy); thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đang được các hộ nuôi ứng dụng như công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, công nghệ biofloc, nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản. Việc nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ đẩy mạnh sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm thủy hải sản mà còn là tiền đề hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh. Để có được những kết quả trên, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kinh phí để các địa phương khảo sát, lập và hoàn thành các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh, cấp xã, trong đó có quy hoạch phát triển thủy sản tập trung. Việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung được tỉnh, các huyện quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp... được người dân lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn để hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống, những năm qua tỉnh đặc biệt coi trọng phát triển tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại cá đặc sản. Các vùng nuôi ngao thương phẩm của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nguyên liệu cho nhà máy chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ ngao vào thị trường EU…
Thời gian tới Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường khảo sát và tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn để áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu các ứng dụng mới, các biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thủy, hải sản, tạo sức bật mới trong nuôi thủy sản của tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh