Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

08:05, 20/05/2021

Trước những diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và dị thường, những năm qua, Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo KTTV nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan tới đời sống người dân cũng như phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Trạm Thủy văn Nam Định (thành phố Nam Định) đo tốc độ nước và hướng dòng chảy trên sông Đào.
Cán bộ Trạm Thủy văn Nam Định (thành phố Nam Định) đo tốc độ nước và hướng dòng chảy trên sông Đào.

Đài KTTV tỉnh đã thực hiện cụ thể hóa bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão; từng bước cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo KTTV, nhất là các bản tin dự báo ATNĐ, bão, lũ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa lớn; bản tin dự báo về xu thế thời tiết, thủy văn 10 ngày, bản tin dự báo thời tiết biển, bản tin dự báo hải văn tại địa phương. Nâng cao chất lượng bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, trọng tâm là nâng cao chất lượng và thời gian dự báo ảnh hưởng của bão, ATNĐ, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện thời gian cảnh báo lũ trên các sông, không khí lạnh, các đợt nắng nóng diện rộng, bão ngoài Biển Đông và có khả năng đổ bộ vào vùng biển nước ta do Đài thực hiện đảm bảo sớm trước 3-5 ngày; nhận định về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng sớm và sát hơn với thực tế. Chất lượng dự báo các bản tin hạn ngắn (hàng ngày 12-24 giờ) đạt 85%, hạn vừa (3-10 ngày) và hạn dài (tháng, mùa, khí hậu) đạt 78%. Đồng chí Dương Văn Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh cho biết: Nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả, từng bước hiện đại hóa và hoàn thiện công tác dự báo, cảnh báo KTTV, qua đó đã nâng cao năng lực, hình thức và nội dung các bản tin dự báo KTTV. Hàng năm, các đơn vị trực thuộc Đài thường xuyên tổ chức học tập huấn luyện quy trình, quy phạm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ; cử cán bộ, dự báo viên tham gia các lớp tập huấn của Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về nâng cao năng lực dự báo KTTV, sử dụng các phần mềm ứng dụng của các trung tâm KTTV lớn trên thế giới. Thời gian qua, Đài KTTV tỉnh đã chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, mạng lưới quan trắc, đo đạc, dự báo và truyền số liệu KTTV bảo đảm độ bền, có tính chính xác cao. Điển hình là các thiết bị quan trắc tự động như: máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm, thiết bị đo dòng chảy ADCP… Trên địa bàn tỉnh hiện đã được đầu tư trang bị 14 trạm đo mưa tự động; dự kiến trong năm 2021, Đài KTTV tỉnh sẽ tiếp nhận thêm 10 trạm đo mưa tự động do Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai (QPT) tài trợ nhằm đan dày mạng lưới đo mưa tự động, thông tin nhanh, chính xác phục vụ công tác dự báo và phòng chống thiên tai của tỉnh, nhất là khi có mưa lớn xảy ra. Việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo KTTV đã góp phần bảo đảm công tác truyền nhận thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời từ khâu truyền số liệu quan trắc trực tiếp từ các trạm, điểm đo về Đài KTTV tỉnh và các đơn vị trong Trung tâm KTTV quốc gia. Bên cạnh đó, Đài KTTV tỉnh còn khuyến khích, động viên các cán bộ, viên chức tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi, học hỏi những công nghệ mới để đưa vào áp dụng trong nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Trước thực trạng công tác dự báo về ngập úng, hạn, độ mặn ở các vùng cửa sông vẫn còn hạn chế trong khi tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, những vấn đề này tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; Đài KTTV tỉnh đã xây dựng đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất hệ thống cảnh báo, dự báo sớm cấp độ rủi ro thiên tai do ngập úng và xâm nhập mặn tại tỉnh Nam Định”. Hiện đề tài đã được phê duyệt, thời gian thực hiện từ 2021 đến tháng 3-2023 nhằm đưa ra các sản phẩm là bộ bản đồ nguy cơ ngập úng với tần suất 1%, 5%, 10%; bộ bản đồ phân vùng cảnh báo xâm nhập mặn; bộ dữ liệu và công cụ quản lý cơ sở KTTV phục vụ nghiên cứu dự báo, cảnh báo ngập úng, xâm nhập mặn cho tỉnh. Đồng thời đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình trong quy hoạch mạng lưới cấp, thoát nước, cơ sở hạ tầng thích ứng, phòng chống ngập úng, xâm nhập mặn của tỉnh.

Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị quan trắc, đo đạc, Đài KTTV chỉ đạo cán bộ, dự báo viên ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ, làm giảm thời gian thực hiện như: công nghệ tổng hợp dữ liệu, mô hình hoá các phương án dự báo thủ công thực hiện trên giấy sang sử dụng trực tiếp trên máy tính. Đồng thời, chủ động tiếp cận, khai thác ứng dụng có hiệu quả các công cụ dự báo, phương án dự báo, mô hình dự báo khí tượng như: mô hình hạn vừa châu Âu, SYNOP GIS, JMA, GFS, KMA công cụ dự báo điểm 10 ngày; phần mềm xem ảnh mây vệ tinh Himawari 8, DROVAK... để cập nhật các yếu tố thời tiết như: mưa, nhiệt độ, độ ẩm, gió trên các mực khí áp. Về dự báo thủy văn, Đài KTTV tỉnh đã phối hợp Phòng Dự báo thủy văn Bắc Bộ (Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ) thu thập số liệu thực hiện bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các phương án dự báo thủy văn hiện có; triển khai xây dựng phương án dự báo cho các điểm dự báo thủy văn mới được quy định trong các Quyết định 223 và 249 năm 2020 của Tổng cục KTTV phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo KTTV. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp Đài KTTV tỉnh thực hiện tốt công tác theo dõi, dự báo đầy đủ, kịp thời, độ tin cậy cao các diễn biến thời tiết, thủy văn. Đồng thời thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ động các biện pháp tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống thiên tai.

Để tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV, thời gian tới, Đài KTTV tỉnh chú trọng nghiên cứu ứng dụng sản phẩm mô hình trong dự báo mưa; cảnh báo, dự báo ngập lụt theo thời gian thực; cảnh báo sóng lớn, nước dâng do bão, ngập lụt ven biển; cảnh báo mưa dông, mưa lớn cục bộ; cụ thể hoá cấp độ rủi ro thiên tai theo không gian và thời gian chi tiết tới cấp huyện, cấp xã… Tích hợp các công nghệ dự báo hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ dự báo theo đúng quy trình kỹ thuật hiện hành; kết nối thông tin thiên tai giữa đơn vị dự báo và các đơn vị sử dụng, đảm bảo thông tin thiên tai, dự báo, cảnh báo thiên tai được cung cấp sớm, kịp thời nhất đến cộng đồng. Tiếp tục trang bị, nâng cấp, hiện đại hóa các trạm KTTV nhằm đảm bảo chất lượng quan trắc, cung cấp thông tin, số liệu KTTV kịp thời, chính xác. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho dự báo viên thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về dự báo KTTV, sử dụng các phần mềm, sản phẩm mô hình dự báo tiên tiến của các trung tâm KTTV lớn trên thế giới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com