Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội viên nông dân thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) với mô hình trồng rau quả sạch cho thu nhập ổn định. |
Ngay từ đầu năm, HND tỉnh giao chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) từ các nguồn; trong đó chú trọng việc vận động ở cơ sở. Đến nay, Quỹ HTND các cấp tăng 271,3 triệu đồng; tiêu biểu như HND Vụ Bản tăng 151,6 triệu đồng; 9/10 HND huyện, thành phố có Quỹ HTND; 200/209 cơ sở đã thành lập ban vận động Quỹ HTND. Tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt trên 26 tỷ đồng cho 1.219 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn quỹ HTND Trung ương ủy thác đang cho 323 hộ vay theo 26 dự án; Quỹ HTND tỉnh hiện đang cho 49 hộ vay theo 6 dự án; quỹ HTND cấp huyện, xã cho 689 hộ vay. Các dự án được đầu tư vốn đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Bạch Long (Giao Thủy); dệt lưới cước tại xã Hải Lộc (Hải Hậu)... Trên cơ sở ưu tiên đầu tư vào những cơ sở Hội đã thành lập tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, đến nay, có 56 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, 1 HTX được vay vốn Quỹ HTND (bình quân mỗi tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp được vay 500 triệu đồng). Riêng năm 2020, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã trình Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương phê duyệt 4 dự án vay vốn 2 tỷ 300 triệu đồng cho 47 hộ vay. Các dự án vay vốn HTND đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, nâng cao thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó các cấp HND trong tỉnh còn tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 10.525 tỷ đồng cho 59.643 hộ vay; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 1.235 tỷ đồng cho 39.293 hộ vay. Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh chú trọng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; thuê gom, tích tụ ruộng đất, liên kết với các công ty sản xuất theo chuỗi. Toàn tỉnh hiện có 6 mô hình hợp tác xã, 103 mô hình tổ hợp tác (THT) với gần 2.000 thành viên tham gia. Các THT hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở các vùng nông thôn như: Đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, dịch vụ nông nghiệp. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả đã gắn kết nông dân cùng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu như: THT trồng hoa - cây cảnh Mỹ Tiến, xã Nam Phong (thành phố Nam Định); THT sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); THT trồng cây dược liệu đinh lăng xã Hải An (Hải Hậu); THT dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong (Giao Thuỷ)... Năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha ước đạt 172 triệu đồng. Toàn tỉnh đã hình thành trên 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Liên minh HTX tỉnh xây dựng mô hình điểm chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn nông thôn, giai đoạn 2020-2023. Trong đó, các đơn vị cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên đại diện cho các loại hình sản xuất nông nghiệp và theo khu vực của tỉnh; HND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chỉ đạo xây dựng ít nhất 1 mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp. Năm 2020, HND xã Giao An (Giao Thủy) đã tổ chức ra mắt tổ hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy sản” với 16 thành viên tham gia; HND xã Liêm Hải (Trực Ninh) ra mắt tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa lai theo chuỗi liên kết giữa các hộ với Công ty Cường Tân; HND xã Yên Nghĩa (Ý Yên) triển khai xây dựng mô hình “Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” với 15 thành viên tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 34 tổ hội nghề nghiệp với 676 thành viên tham gia. Bước đầu, một số mô hình tổ hội nghề nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân được đẩy mạnh. Hàng năm, các cấp Hội khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên; phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn. Riêng năm 2020, HND tỉnh trực tiếp tổ chức 12 lớp dạy nghề cho 363 lao động học các nghề may công nghiệp, trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản; phối hợp tổ chức 19 lớp dạy nghề cho 650 hội viên nông dân. HND các huyện, thành phố phối hợp tổ chức 62 lớp dạy nghề cho gần 2.500 hội viên.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ hội viên tiếp cận kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, HND các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, các công ty tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăm sóc lúa và rau màu, nuôi trồng thuỷ sản, cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm… Hàng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn cho hội viên về khoa học kỹ thuật; tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Các cấp Hội còn tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết “4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tới tay người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. HND tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo giới thiệu các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, hội viên nông dân là thành viên tiêu biểu của tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp của 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh.
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Phấn đấu tăng trưởng Quỹ HTND 10% so với tổng nguồn vốn hiện có; trong đó có bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương. Có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; mỗi chi Hội giúp đỡ từ 1-2 hộ hội viên nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh./.
Bài và ảnh: Lam Hồng