Bước qua quý I-2021, hàng loạt ngân hàng đều có sự bứt phá mạnh mẽ trong hoạt động dịch vụ và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021.
Hướng dẫn khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng số tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Nam Ý Yên. |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng sẽ giúp các ngân hàng phát triển toàn diện hơn, không còn “độc canh” tín dụng như nhiều năm trước; đồng thời giảm bớt rủi ro và cải thiện cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững. Chỉ tính riêng năm 2020, hoạt động dịch vụ phi tín dụng đã đạt mức 11,05% trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại. Trên thực tế, một ngân hàng có tỷ trọng thu từ mảng dịch vụ càng lớn, càng đảm bảo an toàn tài chính hơn là ngân hàng lệ thuộc vào tín dụng với nhiều rủi ro bất ổn. Như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định, ngân hàng đã chuyển dịch mạnh mẽ từ kênh phân phối sản phẩm truyền thống tại quầy giao dịch, thẻ ATM sang các kênh số hoá, chủ động đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Hiện Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định có hơn 200 sản phẩm dịch vụ, chia thành nhiều nhóm như: nhóm sản phẩm huy động vốn, dịch vụ thanh toán trong nước, dịch vụ thẻ, dịch vụ kinh doanh ngoại hối, dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking. Đến nay, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đã phát hành được hơn 263.548 thẻ; 195.474 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử; có số dư bình quân tài khoản thẻ là 1.550 tỷ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định, tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch của chi nhánh đã tăng từ 72% lên 83%, tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng tăng từ 66% lên 72%; thu nhập từ dịch vụ chiếm khoảng 20-30% thu nhập của ngân hàng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định là ngân hàng có nhiều thế mạnh phát triển dịch vụ nhờ nền tảng công nghệ hiện đại và hội tụ được nhóm khách hàng xuất nhập khẩu. Mảng dịch vụ của ngân hàng tăng nhanh trong thời gian qua và đang chiếm tỷ trọng 20% trong tổng thu nhập của ngân hàng. Đồng thời, để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ, Vietcombank Chi nhánh Nam Định cũng áp dụng miễn phí cho người dùng ứng dụng (App) ngân hàng điện tử DigiBank vào đầu năm nay với gói 4 tài khoản VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced. Theo đó, các gói tài khoản này duy trì số dư tiền trên tài khoản hàng tháng lần lượt từ 2 triệu đồng, 4 triệu đồng, 6 triệu đồng, 10 triệu đồng sẽ được miễn phí chuyển tiền trên App. Tùy theo nhu cầu khách hàng sử dụng nhiều cuộc chuyển tiền nội mạng ngân hàng hay liên mạng ngân hàng khác nhau có thể dễ dàng sử dụng. Tương tự, các Chi nhánh của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trên địa bàn tỉnh cũng đang miễn phí cho người sử dụng App ngân hàng điện tử iPay các khoản giao dịch trong hệ thống ngân hàng này như: chuyển khoản và thanh toán, nộp tiền điện tử, các dòng thẻ bảo mật ngân hàng điện tử RSA kim cương và bạch kim, nộp thuế điện tử… Trong xu hướng số hóa, các ngân hàng điện tử đang phát triển đã mở ra cơ hội cho các ngân hàng tăng thu từ dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là trong năm qua có những thời điểm thực hiện lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ nhiều người dân đã tăng cường sử dụng các sản phẩm thanh toán điện tử internet banking, mobile banking…
Tuy mảng kinh doanh dịch vụ của các ngân hàng có phát triển nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng; dư địa để phát triển mảng kinh doanh này vẫn còn rất lớn, nhất là với những ngân hàng nhỏ vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, khách hàng chủ yếu sử dụng các kênh chuyển tiền, thanh toán điện tử mua sắm thương mại điện tử các món có giá trị nhỏ lẻ. Tiềm năng phát triển của mảng kinh doanh này vẫn còn rất lớn và được kỳ vọng sẽ bứt phá nhanh hơn trong thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người dân được cải thiện tích cực kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8-8-2018, trong đó có xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng lên 16-17%. Dự báo thời gian tới, nhu cầu sử dụng các dịch vụ hiện đại của khách hàng sẽ ngày càng tăng. Do đó, các ngân hàng xác định tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ; đặc biệt đẩy nhanh tiến trình số hóa, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng số. Các ngân hàng sẽ chủ động, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, các kênh phân phối, chú trọng đặc biệt tới các kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đồng thời phải nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như công tác chăm sóc khách hàng. Cùng với việc đẩy mạnh thu ngoài lãi, các ngân hàng cũng tích cực xử lý nợ xấu để giảm dự phòng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận./.
Bài và ảnh: Đức Toàn