Xuyên suốt 5 năm thực hiện thỏa thuận liên ngành theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 6-9-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Nam Định đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp triển khai rộng khắp hệ thống tổ vay vốn trên địa bàn quản lý nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp tạo sức bật mạnh mẽ về kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn 3 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên.
Thông qua tổ vay vốn, ông Trần Văn Ấp ở thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã tiếp cận được với vốn vay ưu đãi của Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc xây dựng trang trại VAC với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Trên diện tích đất chuyển đổi rộng gần 5ha tại thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc), ông Trần Văn Ấp cùng tốp thợ 4, 5 người đang thoăn thoắt lồng túi nilon bọc các trái ổi sai trĩu cành. Ông Ấp hồ hởi cho biết: “Hiện tại, hơn 5.000 gốc ổi Đài Loan đang chuẩn bị vào vụ, chúng tôi tôi đang bọc túi nilon để bảo vệ ổi khỏi côn trùng phá hoại. Dự kiến, vụ ổi năm nay gia đình tôi sẽ thu được hơn 100 triệu đồng”. Không chỉ có cây ổi, trên khu vườn rộng lớn còn xen lẫn hàng nghìn gốc cam, bưởi, quýt, đào, quất cảnh cùng với 2 ao nuôi cá và 1.800 con gà, vịt thịt chuẩn bị đến ngày xuất chuồng. Cả trang trại VAC của ông Ấp mỗi năm đem lại doanh thu hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí thu về hơn 200-300 triệu đồng. Ông Ấp chia sẻ: “Trước đây, năm 2003, gia đình tôi đã xây dựng trang trại VAC ở bên tỉnh Hà Nam. Khi biết xã có chủ trương chuyển đổi, hỗ trợ người dân xây dựng kinh tế mới, tôi quyết định rút vốn rồi từng bước đầu tư xây dựng khu trang trại mới ở quê nhà. Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc đã luôn đồng hành tạo điều kiện về vốn giúp gia đình tôi xây dựng được trang trại ổn định như bây giờ. Hiện tại, dư nợ của gia đình tôi tại ngân hàng là 600 triệu đồng”. Không chỉ ông Trần Văn Ấp, cả 14 trang trại trên địa bàn xã Mỹ Tiến đều được Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc tiếp vốn xây dựng thành công các mô hình trang trại VAC với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm như trang trại của các ông: Trần Văn Hiếu ở thôn Lang Xá với mô hình nuôi lợn, gà, cá vịt; Đặng Đình Kiên ở thôn Nguyễn Huệ với mô hình nuôi vịt, gà đẻ; ông Hà Danh Thảo ở thôn La Chợ với mô hình nuôi lợn thịt CP… Ông Trần Văn Sáu, tổ trưởng tổ vay vốn thôn Lang Xá cho biết: “Tính đến hết tháng 3-2021, tổng dư nợ của 2 tổ vay vốn là 13 tỷ 736 triệu đồng với 89 thành viên còn dư nợ. Suốt 25 năm làm tổ trưởng, có thể khẳng định tổ vay vốn đã thực sự là cầu nối dẫn vốn Agribank tiếp cận đến gần và sát với người dân hơn, giúp mọi người dễ dàng vay vốn, nắm bắt cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững”. Tính đến ngày 31-3-2021, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn xã Mỹ Tiến thông qua tổ vay vốn là 40 tỷ 209 triệu đồng với 228 khách hàng còn dư nợ. Toàn xã có 7 tổ vay vốn với tổng cộng 957 thành viên. Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc luôn tích cực hỗ trợ về thủ tục, giải ngân kịp thời nên người dân rất thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn với phương châm “Nhanh - Hiệu quả - May mắn”. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thủ tục vay vốn tại Agribank nhanh gọn đáp ứng nhu cầu của người dân, nên người dân ngày càng đặt niềm tin và qua các buổi sinh hoạt, chia sẻ, nhiều gia đình đã mạnh dạn tham gia tổ vay vốn để có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Bình quân mỗi hộ đều vay tối thiểu từ 100 triệu đồng trở lên. Nói về hiệu quả hoạt động của tổ vay vốn, lãnh đạo Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc, cho biết: Huyện Mỹ Lộc là địa bàn khó khăn nhất trong số các huyện, thành phố trong tỉnh. Các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, làng nghề chủ yếu hoạt động gia công, dịch vụ thương mai hạn chế, lực lượng lao động trẻ chủ yếu làm việc tại các KCN, CCN, không mặn mà với kinh tế nông nghiệp hay kinh tế hộ gia đình tại địa phương, nên sức hấp thụ vốn Agribank trên địa bàn còn hạn chế. Từ những khó khăn trên, bám sát sự chỉ đạo của ngành, ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, chính quyền địa phương; Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc đã quyết liệt đẩy mạnh chỉ đạo phát triển mạng lưới tổ vay vốn, tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi về nông nghiệp của Agribank đến từng thôn, xóm; hỗ trợ tối đa về thủ tục để khơi thông dòng vốn Agribank trên địa bàn huyện. Tính đến hết tháng 3-2021, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn trên địa bàn đạt 246 tỷ 865 triệu đồng. Toàn huyện có 138 tổ vay vốn với 7.146 thành viên. Có thể nói, hệ thống tổ vay vốn đã thực sự là “cánh tay nối dài” giữa ngân hàng và khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Cho vay qua tổ vay vốn giúp ngân hàng tìm được những khách hàng chất lượng, giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần giảm tải cho cán bộ tín dụng khi phải quản lý nhiều khách hàng lẻ. Tính đến 31-3-2021, tổng dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định qua tổ vay vốn đạt 2.802 tỷ đồng, 748 tổ vay vốn với 15.320 hội viên còn dư nợ. Bình quân dư nợ qua tổ là 3 tỷ 746 triệu đồng; bình quân dư nợ của mỗi thành viên của tổ là 183 triệu đồng. Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn. Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... Các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết trong cộng đồng ngày càng bền chặt, củng cố niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.
Thời gian tới, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định tiếp tục tập trung củng cố tổ chức, hoạt động của tổ vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng, chủ dự án để nâng cao hiệu quả công tác chuyển tải vốn tới hộ sản xuất và bảo đảm an toàn tín dụng cho vay qua tổ. Chỉ đạo cán bộ tín dụng bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của hộ dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn của cơ sở. Không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục; đồng thời, cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể tăng cường kiểm tra công tác triển khai cho vay trong năm, hướng dẫn các tổ vay vốn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau giải ngân./.
Bài và ảnh: Đức Toàn