Vang tiếng làng rèn

07:04, 23/04/2021

Nằm ở trung tâm thị trấn Nam Giang (Nam Trực), trong nhịp sống hối hả, những thợ rèn ở làng Vân Chàng vẫn giữ được cho mình nghề truyền thống có từ bao đời. Bước chân vào làng rèn đã nghe thấy tiếng dập búa chát chúa, tiếng các bếp lò quạt gió… phì phì, thậm chí cả tiếng thở nặng nhọc của những thợ nghề. Tranh thủ lúc bếp chưa nhóm, anh Trần Văn Đông, xóm Thái Hòa trò chuyện với chúng tôi: “Đến thế hệ tôi, gia đình đã có 3, 4 đời theo nghề rèn. Nghề thợ rèn vất vả lắm, quanh năm làm việc nặng, chịu nóng, chịu ồn. Tuy nhiên, nếu một ngày lò bỗng nhiên… tắt, không nghe thấy tiếng búa, người thợ chúng tôi sẽ cảm thấy buồn, hụt hẫng. Đó không chỉ là miếng cơm manh áo của gia đình mà còn là “thói quen”, là tình yêu với nghề”.

Người dân Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) giới thiệu các sản phẩm của làng nghề.
Người dân Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) giới thiệu các sản phẩm của làng nghề.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng cách đây hơn 700 năm, từ thời Vua Trần Nhân Tông. Tương truyền thời bấy giờ, 6 vị tổ sư khi tới làng Vân Chàng thấy thế đất hợp đã dừng lại, truyền nghề rèn cho người dân. Ghi nhớ công ơn của những người đã mang nghề cho quê hương, người dân Vân Chàng đã lập đình thờ 6 vị sư tổ dạy nghề. Không chỉ lập đền thờ, những thợ nghề ở Vân Chàng đời này qua đời khác đều có ý thức giữ gìn và nối tiếp nghề. Gần 40 năm tuổi đời nhưng anh Đông cũng đã có vài chục năm theo nghề. Anh kể, từ khi tôi còn nhỏ, hình ảnh quen thuộc nhất mỗi ngày là thấy ông với bố ngồi quai búa. Lớn lên, tôi cũng “tập tành” học nghề. Cầm cái búa chưa vững nhưng hàng ngày tôi vẫn đều đặn theo bố xuống lò học những công đoạn đơn giản như nhóm lửa trông lò. Làm nghề rèn, theo anh Đông, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn phải có kỹ năng, sự khéo léo. Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn, quy trình. Bắt đầu từ việc lựa chọn nguyên liệu, cho sắt vào nung trong lò ở nhiệt độ cao rồi mang lên ghè, đập định hình sản phẩm. Sau đó tiếp tục mài dũa, chau chuốt cho thành phẩm được đẹp, tinh xảo, đúng ý. Về cơ bản, quy trình rèn của Vân Chàng cũng không khác nhiều so với các lò rèn truyền thống khác. Tuy nhiên khi cầm, quan sát 1 cái nồi hoặc 1 cái kéo của thợ Vân Chàng, người tinh ý sẽ phát hiện ngay ra sự khác biệt. Làm nên sự khác biệt của những sản phẩm nức danh nghề rèn Vân Chàng trước hết là sự tinh hoa của thợ nghề, yêu cầu phải “kỹ” với từng sản phẩm của mỗi người thợ. Sau nữa “bí quyết” còn nằm ở khâu “chế biến” nguyên liệu. Đây là khâu quyết định “độ chất” của những sản phẩm do thợ rèn Vân Chàng làm. Theo đó, những thợ nghề bao đời ở đây rất coi trọng khâu chọn sắt nguyên liệu để nấu thành sắt nguyên chất. Họ dùng sắt vụn để nấu thành sắt nguyên liệu. Kỹ thuật này được gọi là “ẩu sắt”. Để “ẩu sắt”, những người thợ sử dụng miếng sắt lớn ghè bẹp làm áo rồi cho các miếng sắt vụn phế liệu vào giữa, dùng kìm, búa đánh kín lại giống như 1 gói sắt gọi là “nác sắt”. Sau đó cho “nác sắt” vào nung ở nhiệt độ cao đến khi miếng sắt trong lò đỏ lên, chuyển màu trắng, nhìn bằng mắt thường có cảm giác gần như sắp chảy ra. Lúc này người  thợ cả cẩn thận gắp miếng sắt lên đe, 1 thợ rèn lực lưỡng, khỏe mạnh dùng búa lớn liên tục đánh, trong khi thợ cả dùng kìm quay trở miếng sắt đều tay. Các thợ rèn vừa quay vừa đánh liên tục 2-3 lần thì thành 1 cục sắt. “Ẩu sắt” cũng chính là công đoạn vô cùng nặng nhọc của nghề làm rèn xưa, yêu cầu người thợ cả phải quay trở đều tay phối hợp nhịp nhàng với người quai búa.

Ngày nay, nghề rèn của người Vân Chàng đỡ vất vả hơn do có sự trợ giúp của các loại máy móc hiện đại; các sản phẩm làng rèn cũng đa dạng hơn. Nếu trước kia, Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, bếp kiềng, cuốc xẻng, răng cào... thì vài chục năm trở lại đây, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, các sản phẩm của làng ngày càng đa dạng, tinh xảo, đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp, các loại sắt thép dùng trong xây dựng. Sản phẩm của làng rèn Vân Chàng hiện đã có mặt khắp mọi miền đất nước, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang Lào, Căm-pu-chia, Mi-an-ma… Hiện, theo ước tính của anh Đông, Vân Chàng có khoảng trên 2/3 số hộ trong làng theo nghề rèn và hầu hết đều đã cơ khí hóa, chỉ có một số rất ít còn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Nghề rèn ở Vân Chàng không chỉ tạo việc làm cho nhân dân địa phương mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở các xã, huyện lân cận. Với những thợ mới vào nghề, làm những công việc đơn giản, tiền công trung bình là từ 200-250 nghìn đồng/ngày; thợ đứng máy, tay nghề cao sẽ được trả tiền công cao hơn. Trong làng có những hộ sản xuất với quy mô lớn như gia đình các anh chị: Tuấn Hương, anh Tú, anh Cường, anh Kỉnh… Với riêng lò rèn sản xuất kéo như nhà anh Đông, trung bình mỗi năm trừ chi phí cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Làng còn có những nghệ nhân tay nghề cao, tạo nên những sản phẩm tinh xảo, chất lượng tốt. Vân Chàng tự hào vì có những “bàn tay vàng” qua các thời kỳ như các ông: Vũ Văn Tâm, Vũ Văn Sao, Đoàn Văn Sỹ, Trần Huy Nam... Trước cơ chế thị trường, nhiều làng nghề trên cả nước lao đao nhưng làng rèn Vân Chàng vẫn trụ vững và phát triển được bởi mỗi người thợ nghề nơi đây luôn ý thức đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Giữa tiếng máy dập chát chúa, đều đặn, anh Đông phải cố nói to để không bị tiếng máy át: “Còn sức khỏe, tôi sẽ còn gắn bó với nghề lâu dài. Đến đời con cái tôi, nếu chúng muốn, tôi sẽ lại truyền những “bí kíp” nghề rèn mà tôi đã học, đúc rút được từ đời ông, đời bố tôi suốt hàng trăm năm qua. Tôi nghĩ đó là cách mà các thế hệ nối tiếp, giữ và trân trọng nghề”./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com