Từ hiệu quả mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt Golden Cob

08:04, 28/04/2021

Cuối năm 2020, thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm ngô nếp, ngô ngọt và ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh phía Bắc”, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản thực hiện mô hình “Sản xuất giống ngô ngọt Golden Cob theo chuỗi giá trị” quy mô 10ha tại xã Tân Khánh nhằm xây dựng một phương thức liên kết sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Mô hình sản xuất giống ngô ngọt Golden Cob theo chuỗi giá trị tại xã Tân Khánh (Vụ Bản).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình sản xuất giống ngô ngọt Golden Cob theo chuỗi giá trị tại xã Tân Khánh (Vụ Bản). 

Sau khi khảo sát địa điểm thực hiện, Dự án đã lựa chọn xã Tân Khánh. Đây là địa phương điển hình của huyện Vụ Bản luôn tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Tham gia mô hình liên kết, 56 hộ nông dân được tập huấn quy trình sản xuất thâm canh ngô ngọt giống Golden Cob, kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu keo mùa thu hại ngô và các tiêu chí thu mua sản phẩm đầu ra của đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm. Giống và các loại vật tư thiết yếu sử dụng trong mô hình như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được các đơn vị uy tín đảm bảo chất lượng tốt cấp phát đầy đủ cho các hộ nông dân thực hiện, trong đó Dự án hỗ trợ 50%. Trong suốt thời gian thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình thâm canh, kịp thời phòng trừ sâu bệnh; đồng thời kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình trong từng giai đoạn. Qua thực hiện mô hình cho thấy, giống ngô ngọt Golden Cob có tỷ lệ nảy mầm cao, khả năng thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng ngắn (65-68 ngày), cây cứng khỏe, bộ rễ chân kiềng lan rộng nên khả năng chống đổ tốt, có tính chống chịu sâu bệnh khá, hạn chế được nhược điểm của các giống ngô sản xuất lấy hạt như: bao bì kín, hạt cho màu sắc đẹp, để được lâu hơn... Đặc biệt, giống ngô Golden Cob có bộ lá xanh đậm cho tới khi thu hoạch nên có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Theo tính toán thực tế, năng suất ngô bắp tươi (nguyên bao) của mô hình đạt bình quân 15,3 tấn/ha; sản lượng đạt 153 tấn; khối lượng thân lá ước thu đạt 145 tấn. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được doanh nghiệp thu mua với giá bắp là 4.000 đồng/kg; thân lá ngô được người dân bán cho doanh nghiệp và các nông trại chăn nuôi trên địa bàn với giá bình quân 600 đồng/kg. Hạch toán kinh tế, mỗi ha trồng ngô ngọt Golden Cob cho thu nhập 69,9 triệu đồng, lãi thuần đạt 28 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 20% so với sản xuất ngô đại trà. Ông Mai Đức Quyền, nông dân tham gia mô hình liên kết cho biết: “Sau gần 70 ngày trồng và chăm sóc, tôi thấy cây sinh trưởng phát triển tốt và phù hợp với đồng đất địa phương. Giống ngô ngọt này có những ưu điểm nổi trội như: tỷ lệ mọc cao, cây mọc đều, ít sâu bệnh. Đặc biệt, cây sinh trưởng phát triển vượt trội hơn so với các loại ngô lấy hạt và ngô nếp truyền thống trồng cùng thời gian ở các ruộng khác. Bắp ngô rất to, hạt dày và đều nên năng suất bình quân nhà tôi thu được 566 kg/sào. Toàn bộ sản phẩm của mô hình từ bắp ngô đến thân lá ngô được doanh nghiệp liên kết thu mua nên tôi hoàn toàn yên tâm, không lo lắng về đầu ra cho sản phẩm”.

Cho hiệu quả kinh tế cao, tham gia vào nhiều công thức luân canh nên hiện nay ngô đang được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Vụ Bản. Hàng năm, diện tích sản xuất ngô của huyện đạt khoảng 120-150ha, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn: Gôi, Liên Minh, Tân Khánh… với năng suất trung bình đạt khoảng 5,5 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt hơn 825 nghìn tấn ngô hạt/năm. Những năm gần đây, sản xuất ngô trên địa bàn huyện Vụ Bản đạt nhiều chuyển biến tích cực, năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản ngày càng tăng, bước đầu hình thành được vùng sản xuất lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, khâu liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết. Do đó, cần xây dựng và duy trì ổn định mối liên kết sản xuất ngô vững chắc để đảm bảo đầu ra cho nông dân cũng là “bài toán” đang được huyện Vụ Bản đặt ra. Đồng chí Nguyễn Văn Giang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản cho biết: Mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt Golden Cob ở xã Tân Khánh cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa và trồng ngô đại trà. Các tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong mô hình đều là những tiến bộ mới, giống ngô thực phẩm năng suất cao, kỹ thuật thâm canh trong các khâu sản xuất phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của nông dân giúp việc sản xuất đạt hiệu quả cao. Ngoài thu hoạch bắp, thân lá ngô sau  trồng hàm lượng dinh dưỡng còn rất cao nên có thể tận dụng ủ chua làm thức ăn chăn nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập và đảm bảo vòng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tham mưu với UBND huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích cây ngô ngọt trên địa bàn tỉnh theo hướng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra. 

Việc liên kết nhiều hộ nông dân trên cùng cánh đồng, bỏ bờ thửa để sản xuất cùng một giống, cùng quy trình canh tác, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và đồng đều về chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt Golden Cob được huyện Vụ Bản xác định là một trong các giải pháp thiết thực tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com