Ngày 9-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ). Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ.
Dịch vụ Mobile Money sẽ giúp người dân có thêm một kênh giao dịch mới dễ tiếp cận hơn so với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Trong ảnh: Giao dịch tại quầy ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh nam Ý Yên. |
Với gần 125 triệu thuê bao di động, khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, cơ hội cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money là rất lớn. Do đó, việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đối tượng khách hàng chính của dịch vụ Mobile Money hướng tới sẽ là người dân các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Đây hứa hẹn sẽ là một kênh giao dịch mới giúp người dân dễ dàng tiếp cận với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhanh chóng và thuận tiện; từ đó, góp phần làm tăng tỷ lệ TTKDTM và thúc đẩy tài chính toàn diện theo chủ trương của Chính phủ. Do đó, Mobile Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia. Đối với nền kinh tế, thị trường có thêm các nhà cung cấp dịch vụ TTKDTM sẽ tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí để phát triển TTKDTM. Đối với các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng (ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống), nhờ đó, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với khách hàng, Mobile Money cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện, sử dụng 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động. Mobile Money cũng góp phần phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh từ Mobile Money, các tổ chức cung ứng dịch vụ, ngân hàng khác cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó, khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tốt và thuận tiện hơn.
Theo Quyết định 316/QĐ-TTg, khách hàng mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng; chỉ cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật, có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile Money được Chính phủ quy định là 10 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, dịch vụ Mobile Money sẽ hỗ trợ cho việc phát triển TTKDTM, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Khách hàng có thể sử dụng Mobile Money để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: nạp, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Khách hàng có thể nạp, rút bằng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, nạp/rút từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp viễn thông thực hiện thí điểm. Sau khi mở tài khoản Mobile Money, khách hàng có thể nhận và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản Mobile Money khác. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng sẽ phải cung cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Ngoài ra, mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông. Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.
Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông chính như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đều đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Cả ba nhà mạng đều đã sẵn sàng về hạ tầng để thí điểm triển khai dịch vụ này và đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước xin thử nghiệm dịch vụ, gồm các phương án kỹ thuật, quản lý, quy trình nghiệp vụ để đáp ứng các quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1 triệu 115 nghìn thẻ ATM được phát hành. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 230.238 thuê bao internet, 21.552 thuê bao điện thoại cố định, 1.377.720 thuê bao điện thoại di động, tỷ lệ phủ sóng di động 3G trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Với việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; Ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Tăng trưởng doanh số TTKDTM qua hệ thống ngân hàng bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt từ 20%-25%/năm. Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.
Bài và ảnh: Đức Toàn