Thời gian qua, các ngành, các địa phương đã tích cực hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (bao gồm: dệt may; cơ khí chế tạo, điện tử - cơ điện tử và công nghiệp phần mềm; sản xuất thuốc và hóa dược; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản). Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, hàng loạt chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, đáp ứng nguồn gốc xuất xứ được thực hiện nhằm giúp các sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Sản xuất gạo chất lượng cao tại Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên). |
Nhóm doanh nghiệp ngành dệt may đã tích cực trong chuyển dịch đầu tư về vùng nông thôn; chú trọng đầu tư chiều sâu sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, phục vụ xuất khẩu. Xuất khẩu hàng dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và ngày càng có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên duy trì mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá như Công ty TNHH Youngone Nam Định, Công ty TNHH May YSS, Công ty TNHH Yamani Dynasty, Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam, Công ty TNHH May mặc JUNZHEN, Công ty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, Công ty CP May Nam Định... Các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu đã thiết lập vị thế trên thị trường dược phẩm cả nước bằng việc chủ động phát triển theo hướng CNH-HĐH; hình thành và phát triển nhiều vùng trồng cây dược liệu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất thuốc trong và ngoài tỉnh; tích cực chế biến dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được chứng nhận đủ điều kiện tham gia vào các chương trình cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế. Năm 2020 toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp dược có sản phẩm đạt giải thưởng “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2020”. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến nông sản đã đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân, HTX, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản xuất để gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Toàn tỉnh đã hình thành hệ thống hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản; trong đó các doanh nghiệp đã nâng tầm và đưa 5 thương hiệu nông sản thâm nhập, có chỗ đứng tại các thị trường khó tính như khối EU, Nhật Bản… gồm: gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân, muối NADISALT của Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định, ngao Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, tép moi của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, kẹo sìu châu của Công ty TNHH Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định).
Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh còn một số bất cập. Tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư các dự án lớn vào tất cả các ngành công nghiệp trọng điểm. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp hiện tại có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trang thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, chưa đủ điều kiện để áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Tại tất cả các ngành, bao gồm cả dệt may, là ngành chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu và thị trường tiêu thụ nước ngoài khiến sản xuất bị động, chi phí cao, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị, kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Mức tăng trưởng của các ngành cơ khí, điện, điện tử còn thấp.
Trước các bất cập kể trên, tỉnh xác định “chìa khóa” để có thể phát triển các ngành công nghiệp chủ lực thành công cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ công nghiệp khởi nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan theo hướng ngày càng minh bạch. Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông... để nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Khuyến khích, thu hút các nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực và thu hút các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ hội cải thiện tốc độ tăng trưởng. Mặt khác, tăng cường thiết lập cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị thông qua thu hút đầu tư hiệu quả; thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp nội tỉnh với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tạo cụm liên kết ngành; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với ngành dệt may, tiếp tục hướng tới phát triển dệt may xuất khẩu, tập trung sản xuất những sản phẩm có đặc thù riêng, có lợi thế về lao động, những sản phẩm may cao cấp, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, đạt các tiêu chuẩn về môi trường và có nhãn mác sinh thái; phát triển công nghệ thiết kế; tạo thương hiệu riêng cho các sản phẩm của tỉnh; tăng tỷ lệ nội địa hoá về nguyên phụ liệu của hàng dệt may. Ngành công nghiệp chế biến nông sản đẩy mạnh phát triển trên cơ sở quy hoạch các vùng nguyên liệu ở địa phương, hướng vào các sản phẩm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của tỉnh và thu hút thêm nguồn nguyên liệu từ các địa phương trong khu vực; đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các cơ sở lớn trong nước và nước ngoài để phát triển thị trường, đổi mới công nghệ, tăng quy mô sản xuất; đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm. Khuyến khích việc nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu Việt Nam; đẩy mạnh quy hoạch phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu; ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý để có thể tham gia hiệu quả vào thị trường dược phẩm toàn cầu. Đối với ngành cơ khí, điện tử và gia công kim loại, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất linh phụ kiện cho các tập đoàn lắp ráp, phân phối lớn; chú trọng phát triển ngành chế tạo phụ tùng phục vụ dịch vụ sửa chữa; phát triển ngành chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, kim khí tiêu dùng, theo hướng nâng cao chất lượng, độ bền các linh kiện chủ chốt, tối ưu hoá thiết kế để nâng cao tuổi thọ thiết bị, vận hành và bảo dưỡng thuận lợi tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy