Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) đã 8 lần tăng với mức từ 25-30% tùy từng loại và chưa có dấu hiệu “dừng” khiến người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất và đại lý cám trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Chăm sóc gà công nghiệp tại trang trại của gia đình anh Triệu Thanh Sơn, xã Hợp Hưng (Vụ Bản). |
Tại đại lý TACN, thuốc thú y Thuận Thành, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), không khí buôn bán có phần kém sôi động. Chủ cửa hàng cho biết: Trong vòng 4 tháng trở lại đây, tháng nào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản cũng thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán. Thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đã tăng từ 200-400 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 5-10 nghìn đồng/bao (25kg) cho mỗi lần tăng giá. Hiện giá nhiều loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm của các thương hiệu như: Hi-Gro, AnCo, Vina, Dabaco... đang ở mức từ 220-400 nghìn đồng/bao (25kg). Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá thịt lợn, gà thương phẩm lại đang hạ so với trước Tết âm lịch khiến cho người chăn nuôi không dám tái đàn, nuôi cầm chừng đàn vật nuôi đang có nên việc kinh doanh thức ăn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, mỗi ngày đại lý bán khoảng 15 tấn cám nhưng nay giảm một nửa. Người chăn nuôi cũng “đứng ngồi không yên” trước tình trạng giá TACN “nhảy nhót” liên tục. Trang trại của ông Trần Văn Chương ở thôn Phương Sơn, xã Yên Lợi (Ý Yên) là một trong những trang trại quy mô lớn ở huyện có diện tích 3.500m2. Mỗi năm, gia đình ông duy trì nuôi hơn nuôi 500 con lợn, trong đó có 45 con lợn nái, 1 con lợn đực giống, 50 con lợn con, 250 lợn thịt. Trung bình trang trại của gia đình ông xuất bán hơn 400 con lợn thịt/năm, đem lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ông gặp nhiều khó khăn do giá thịt lợn giảm trong khi giá TACN lại liên tục tăng. Ông Chương cho biết: Nhiều năm nuôi lợn quy mô lớn và làm đại lý phân phối TACN cho người dân trên địa bàn nhưng chưa năm nào ông thấy giá TACN tăng mạnh và liên tục như thời gian gần đây. Với quy mô 500 con lợn, mỗi tháng trang trại tiêu thụ 15-17 tấn TACN; so với giá thức ăn trước đây thì thời điểm hiện tại chi phí tăng thêm gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cước vận chuyển cũng tăng lên do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đó giá lợn thịt xuất bán lại cầm chừng, nhiều lúc còn giảm. Để giữ mối kinh doanh nên tôi phải duy trì đàn lợn nuôi, chứ cứ tình hình này thì nuôi lợn không có lãi. Cũng như gia đình ông Chương, các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy hải sản trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì giá thức ăn thì tăng cao. Khó khăn nhất là các hộ nuôi gia cầm bởi giá gia cầm và trứng lại giảm đáng kể. Cụ thể, nếu trước đây nuôi 1.000 gà (trong vòng 4 tháng) người chăn nuôi chi phí hết 80 triệu đồng tiền cám thì nay tăng lên 90 triệu đồng. Trong khi giá cám không ngừng tăng thì giá gà thịt, vịt thịt, trứng lại liên tục giảm và đang ở mức rất thấp. Vì thế hầu hết các chủ chăn nuôi gà đều vào đàn rất dè dặt. Hiện tại, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều đang cố gắng cầm cự, duy trì chăn nuôi khỏi đứt quãng nhưng các hộ đều cho biết nếu giá TACN cứ tiếp tục tăng thêm thì đành phải phá đàn bởi không chịu nổi chi phí; việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô thay thế thức ăn công nghiệp là rất khó bởi không đủ điều kiện, cơ sở vật chất, hơn nữa đàn vật nuôi không chịu ăn khi đột ngột thay đổi thức ăn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá TACN tăng liên tục trong thời gian qua là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm giá nguyên liệu thế giới tăng cao, việc vận chuyển khó khăn gây đứt đoạn chuỗi cung ứng khiến giá dịch vụ vận chuyển tăng cao kéo theo đó các nhà máy sản xuất TACN trong nước cũng phải nâng giá thành. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ cũng làm nguyên liệu sản xuất TACN trong nước trở nên khan hiếm. Anh Lâm Đình Chiên, đại diện nhãn hàng thức ăn chăn nuôi BFG (Công ty Cổ phần BIGRFEED Hưng Yên) chiếm thị phần lớn trong thị trường TACN tỉnh ta cho biết: Khó khăn nhất là tình trạng TACN tăng giá chưa biết đến thời điểm nào mới ngưng bởi các loại nguyên liệu chính là bột đậu tương, bột ngô, bột cá và nhiều loại vi chất dinh dưỡng thành phần đều phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở các quốc gia trên thế giới.
Hiện tại đang là thời điểm người dân đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi tái đàn, do vậy, giá TACN tăng đã gây nhiều khó khăn cho người dân về nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi và hiệu quả kinh tế cả quy trình chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người dân và sức tăng trưởng ngành chăn nuôi ở địa phương. Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và cũng duy trì đầu mối cung ứng hàng hóa, các hãng TACN đã thực hiện nhiều biện pháp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi như: Chia nhỏ mức tăng giá TACN; tặng sản phẩm khi mua hàng; cho người chăn nuôi nợ lại tiền mua TACN. Lực lượng kỹ thuật Sở NN và PTNT nghiên cứu hướng dẫn người dân tự chế cám công thức quy mô hộ gia đình sử dụng nguyên liệu tại chỗ thay thế. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi tổ chức sản xuất theo chuỗi từ thức ăn chăn nuôi, chuồng trại đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để có thể san sẻ rủi ro khắc phục khó khăn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương