Nằm sát biển, Đảng uỷ, UBND xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) đều xác định kinh tế biển là mũi nhọn tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, tạo tiền đề xây dựng xã NTM nâng cao. Trong đó, ngao là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế biển của xã, góp phần thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế của người dân nơi đây.
Kiểm tra chất lượng ngao giống trước khi xuất bán tại ao nuôi gia đình ông Trịnh Văn Long ở xóm Thị Tứ, xã Giao Xuân (Giao Thuỷ). |
Toàn xã có 300ha bãi bồi ven biển và 50,5ha đầm ven đê được nông dân đầu tư khai thác nuôi tôm, cua, ngao, vạng xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên, tại chỗ cho hàng nghìn lao động. Nhiều hộ làm kinh tế biển, nuôi vạng có thu nhập hàng năm từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, sử dụng lao động theo thời vụ từ 100 đến 150 người. Giá trị thu từ thuỷ sản hàng năm của xã bình quân đạt trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, người nuôi ngao của xã phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh tại ao, đầm và dịch COVID-19, nhất là tại thời điểm tháng 3 và tháng 11-2019 xuất hiện dịch bệnh trên toàn bộ diện tích nuôi ngao đã làm cho ngao bị chết hàng loạt, thiệt hại từ 50-90% diện tích (khoảng 400 tỷ đồng), ảnh hưởng tới sản lượng thủy hải sản cả năm. Năm 2019, sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt ước đạt 5.500/10.000 tấn, đạt 55% kế hoạch, giá trị từ thủy hải sản ước đạt 65 tỷ đồng. Sang năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát cùng với thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch khiến sản lượng nuôi ngao, đánh bắt hải sản, xuất khẩu ngao của xã bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2020, sản lượng thủy hải sản, đánh bắt ước đạt 9.350/15.000 tấn (trong đó sản lượng ngao 5.500 tấn), đạt 62,3% kế hoạch. Người nuôi ngao điêu đứng do thu nhập giảm, không có nguồn để trả lãi ngân hàng, cũng không có vốn để tái đầu tư phục hồi sản xuất. Trước thực trạng đó, xã tập trung phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ nuôi ngao, vạng, đánh bắt thuỷ hải sản; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng nước, phòng, chống dịch bệnh tại ao, đầm, đảm bảo phục hồi nghề nuôi ngao bền vững, phục vụ xuất khẩu. Đồng chí Đỗ Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để giúp người dân gỡ khó về vốn, thời gian qua, xã đã tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng, các tổ trưởng thôn, xóm, hội, đoàn thể uỷ thác chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu vay mới cũng như vay lại; thẩm định và thiết lập hồ sơ nhanh chóng kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ vay, tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, ưu đãi về vốn với lãi suất thấp. Đồng thời, hỗ trợ người vay tiếp cận các chính sách ưu đãi của ngân hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, vay mới với lãi suất ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Giao Thuỷ của người dân trong xã là 123 tỷ 300 triệu đồng với 659 hộ còn dư nợ. Tổng nguồn vốn huy động của Agribank qua các kênh đạt 13 tỷ đồng. Toàn xã không có nợ quá hạn. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng được các hộ dân sử dụng hiệu quả, an toàn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trâu bò, nuôi tôm thẻ chân trắng, thuỷ sản nước ngọt… Hiện tại, dư nợ qua Ngân hàng Chính sách xã hội của xã đạt 20 tỷ 609 triệu đồng với 736 hộ còn dư nợ”. Ông Trịnh Văn Long, 56 tuổi ở xóm Thị Tứ, chủ đầm nuôi ngao cho biết: “Suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ngao, vạng, chưa bao giờ gia đình tôi bị thiệt hại nhiều đến vậy. Đợt dịch bệnh ngao và dịch COVID-19 vừa qua, gia đình tôi thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Được Agribank Chi nhánh Giao Thuỷ kịp thời cho vay vốn, tôi đã từng bước duy trì, khôi phục sản xuất ngao. Hơn 3ha ao đầm trong đê và 10ha bãi nuôi thả ngoài biển của gia đình đang phát triển tốt, dự kiến thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư thả hơn 1 tỷ đồng tiền giống. Hi vọng năm nay, gia đình tôi sẽ thu lãi 500-700 triệu đồng”. Nhiều hộ vay khác nhờ được kịp thời hỗ trợ về vốn, đã từng bước khôi phục, phát triển sản xuất ngao như hộ anh Vũ Văn Trọng với dư nợ 3 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Long dư nợ 1 tỷ đồng, Trần Văn Thưởng dư nợ 2,2 tỷ đồng… Ngoài ra, xã cũng tập trung khuyến khích phát triển nuôi thuỷ sản nội đồng. Mới đây, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ hải sản xã Giao Xuân với 19 thành viên nuôi thuỷ sản sạch, nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt và các loại cá truyền thống có giá trị kinh tế cao như: trắm, trôi, mè, chép.
Thời gian tới, xã sẽ tập trung khuyến khích các hộ nuôi ngao áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo mặt bãi, nâng dần diện tích nuôi ngao bán thâm canh sang thâm canh thương phẩm, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi ngao tập trung, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống nhập từ tỉnh ngoài vào địa bàn. Khuyến khích, vận động các hộ nuôi ngao thành lập các tổ, nhóm liên kết, xây dựng mô hình sản xuất mới như góp cổ phần thuê đất từng vùng nuôi theo nhóm theo từng hạng mục đầu tư (chung mua thức ăn, giống, dịch vụ kỹ thuật…) để giảm chi phí riêng lẻ, giảm nguy cơ bị ép cấp, ép giá…, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường vùng nuôi nhằm củng cố, bảo vệ và mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu ngao Nam Định nói chung, “Ngao Giao Thủy” nói riêng, xác định tiêu chuẩn chất lượng để khẳng định sản phẩm trên thị trường, từng bước đưa sản phẩm ngao của tỉnh xuất bán rộng rãi không chỉ trong nước mà trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, kiến nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ về thủ tục thẩm định giúp các hộ dân vay được nguồn vốn lãi suất ưu đãi, mở rộng đầu tư bãi nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều chỉnh quy hoạch tạo mặt bằng sạch để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ ngao và thuỷ hải sản chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Đức Toàn