Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đã góp phần tạo nhiều lợi ích về kinh tế, thời gian cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng nhái, trục lợi khách hàng, phá hoại các đơn vị sản xuất chân chính, gây bất ổn thị trường ngày càng phức tạp, buộc các lực lượng chức năng phải triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Công an huyện Vụ Bản kiểm tra, thu giữ tang vật sản phẩm túi xách giả nhãn hiệu nổi tiếng của kho hàng bán online tại xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). |
Thực trạng gian lận TMĐT
Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: Tại tỉnh ta, gian lận TMĐT diễn ra phổ biến ở hầu hết các nhóm hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, đồ điện, điện tử với nhiều kiểu vi phạm như: Khách hàng đã chuyển khoản thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc hàng nhận được chất lượng kém, bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản khi thắc mắc phản hồi không tốt về sản phẩm. Nhiều sàn TMĐT có quy định bất lợi cho người tiêu dùng trong việc đổi, trả sản phẩm không đúng với thỏa thuận đặt mua. Bên cạnh đó nạn ăn cắp thông tin, gian lận tài chính và quảng cáo làm phiền khách hàng đang là những mối bức xúc đối với nhiều người tiêu dùng TMĐT hiện nay. Đại diện Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết: Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều cá nhân lợi dụng TMĐT bán hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu lớn. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc chống vi phạm bản quyền phát hiện hàng nhái, giả… của sàn. Đơn cử như cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE; Hermes thay vì Hermès… Các đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ và các thông tin liên lạc, thậm chí hóa đơn chuyển tiền hàng cũng được ghi sai mục đích như: gửi bạn chuyển tiền đám hiếu, hỷ, mừng tân gia, sinh nhật thay vì chuyển tiền hàng như thông thường. Nhiều trường hợp đưa lên mạng hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được, có thể là hàng giả, hàng nhái, khó phát hiện. Đáng lo ngại hơn là vi phạm rõ ràng tồn tại nhưng ngành chức năng lại rất khó xử lý do việc kiểm tra, truy tìm được đối tượng gian lận “ảo” này không đơn giản; có thể thu thập được bằng chứng giao dịch trên mạng nhưng việc tìm, kiểm tra kho hàng hóa của người bán thì khó phát hiện. Để quyết định xử phạt phải có dấu hiệu, chứng cứ đầy đủ, trong khi đối tượng gian lận trên các giao dịch TMĐT có thể đóng website, xoá dấu vết bất cứ lúc nào. Chính vì thế, TMĐT vẫn là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp gian lận tìm đến.
Quyết liệt công tác đấu tranh
Trước diễn biến phức tạp trong gian lận TMĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Trên tinh thần đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tập trung lực lượng, nâng cao năng lực nghiệp vụ và chủ động phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên địa bàn, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết: Để phát hiện các vụ việc gian lận thương mại trong giao dịch điện tử, lực lượng đã phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện những bất thường trong hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT, các trang bán hàng qua mạng xã hội và sự biến động đột biến trong vận chuyển hàng hóa của các đơn vị chuyển phát. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT; tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động này. Trong 2 tháng gần đây hàng loạt vụ việc gian lận TMĐT đã bị phát hiện, cả trăm trang facebook cá nhân bán hàng bị vô hiệu hóa, góp phần quan trọng vào việc giảm bớt tình trạng cung ứng tràn lan hàng giả, hàng nhái trên môi trường điện tử. Điển hình như vụ việc sau 6 tháng điều tra, theo dõi, Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp Cục Quản lý thị trường Nam Định, Công an, chính quyền địa phương và đại diện nhãn hàng Hermès Việt Nam phát hiện, thu giữ hàng chục nghìn túi xách giả thương hiệu nổi tiếng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermès, Louis Vuitton hay Channel. Trong đó đa phần là túi xách Hermès giả với giá trị gần 4 tỷ đồng tại kho chứa ở thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Ngoài túi xách giả, trong kho còn có một số sản phẩm khác như cao bôi giảm mỡ, đồng hồ, vòng đeo tay… Toàn bộ số hàng hóa trên được rao bán trên trang mạng xã hội facebook với hơn 10 giao diện khác nhau. Liên tiếp sau đó vào ngày 8-4-2021, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), Công an huyện Hải Hậu kiểm tra kho hàng của bà Lê Thị Diệp, thôn Đông Biên, xã Hải Bắc, phát hiện có nhiều hàng hóa đồ dùng gia đình gồm bộ pha trà, bộ gọt hoa quả, quạt tích điện, bát inox, máy xông tinh dầu, cặp lồng cơm với tổng giá trị khoảng 50 triệu đồng, không hóa đơn và tem nhãn phụ. Còn tại thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), lực lượng chức năng phát hiện một kho hàng tại ga Đặng Xá có diện tích khoảng 200m2 chứa trên 2.500 sản phẩm quần áo các loại không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp bán sản phẩm quần áo. Tất cả các kho hàng này đều được chủ kho hàng đăng ảnh các sản phẩm để quảng cáo bán hàng online qua kênh bán hàng Shopee, Facebook, sau đó ship COD đến khách mua. Cơ quan chức năng đã lập hồ sơ thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm tại 2 kho hàng để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch trực tuyến, các đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp trong công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, nâng cao trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sở hữu các website TMĐT. Tuy nhiên, để xử lý tận gốc vấn nạn này, trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và biết cách tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng giao dịch TMĐT để trục lợi bất chính. Người tiêu dùng chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. Chú ý đến danh sách đen (black list) để biết các địa chỉ, các tên giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, không có uy tín và bị cấm hoạt động. Khi mua hàng, cần kiểm tra thông tin về đơn vị, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc), tìm kiếm thông tin về mặt hàng, tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán, quy định, bảo hành… Giữ lại bản sao của tất cả các tài liệu, bao gồm kể cả hồ sơ điện tử dự thầu, đấu giá, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ thư điện tử (email) và các hóa đơn, khoản thu để đề phòng trường hợp có tranh chấp phát sinh. Chọn lựa phương thức thanh toán có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả lại tiền khi gặp rủi ro. Đặc biệt, người mua không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường dẫn lạ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương