Tăng cường chế biến nông sản được xác định là giải pháp để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch. Tuy nhiên hiện nay chế biến nông sản của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, là khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết sản xuất.
Phân loại nguyên liệu trước khi chưng cất tinh dầu hoa hồng tại trang trại Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). |
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, trong những năm gần đây chế biến nông sản có bước phát triển tích cực so với trước. Toàn tỉnh đã có 590 cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông, Công ty TNHH Công Danh, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương… Toàn tỉnh đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất, hoàn thiện nhãn hiệu sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho 150 sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định) được người tiêu dùng biết đến là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc nghiên cứu ứng dụng và nhận chuyển giao công nghệ sấy chân không các loại rau, củ, quả ăn liền. Mỗi năm, Công ty tiêu thụ chế biến hàng trăm tấn nguyên liệu nông sản như khoai tây, khoai lang, ngô nếp, chuối… Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thủy cho biết: Trước đây, nhìn bà con nông dân tại một số địa phương trồng rau màu khá vất vả, nhưng vào vụ thu hoạch rộ thì giá rẻ và thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thậm chí nhiều vụ phải đem cho, đổ bỏ rất xót ruột. Từ đó, tôi tìm hiểu các loại máy chế biến, học hỏi các cách thức chế biến nguồn nguyên liệu này. Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi đã tiếp cận với công nghệ sấy chân không và quyết định đầu tư nhà máy chế biến nông sản sấy tại Cụm công nghiệp An Xá. Với công nghệ sấy chân không, toàn bộ trái cây, rau, củ, quả chuyển từ dạng tươi sang dạng khô giòn nhưng không phải sử dụng dầu để chiên rán, sản phẩm vẫn đảm bảo được màu sắc, kích thước, hương vị, hàm lượng dinh dưỡng. Nông sản sau khi chế biến giá trị kinh tế tăng khoảng 10 lần so với bán nguyên liệu thô. Hiện tại Công ty đã lựa chọn và xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây tại 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp: Yên Lương, xã Yên Lương (Ý Yên) và Nam Hùng, xã Nam Hùng (Nam Trực) với tổng diện tích 150ha và nhiều hộ dân các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản với tổng diện tích khoảng trên 200ha. Hiện tại sản phẩm ngô sấy, khoai lang sấy của Công ty được người tiêu dùng ưa chuộng, cung ứng tại các siêu thị lớn và 60 đại lý trên toàn quốc. Tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, từ con ngao nguyên liệu với giá bán đến người tiêu dùng bình quân khoảng 15-20 nghìn đồng/kg, qua công nghệ chế biến tiên tiến của Hà Lan, giá trị kinh tế gia tăng lên gấp 5-10 lần khi tiêu thụ trong nước và tăng vài chục lần khi chế biến chuyên sâu để xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Giá trị kinh tế của nông sản gia tăng sau chế biến thấy rõ, tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng lượng nông sản của tỉnh được chế biến theo công nghệ hiện đại này còn quá ít so với tiềm năng nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, theo phân tích của ngành chức năng, cơ cấu công nghiệp chế biến không đồng đều, tập trung chủ yếu ở nhóm thủy, hải sản; các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt được chế biến chưa nhiều trong khi lượng nông sản chính là 2 nhóm này. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến đang có quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị gia tăng chưa cao, tổn thất nhiều; sản phẩm chế biến chưa phong phú; chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm… Các loại nông sản chủ lực của tỉnh ta như khoai tây, cà chua, rau màu... chủ yếu tiêu thụ nguyên liệu, chưa được chế biến thành sản phẩm hàng hóa nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn khi vào chính vụ thu hoạch. Trong vụ rau màu đông xuân năm 2021, rau màu giảm giá sâu, hàng trăm ha cà chua, bắp cải, su hào, cà rốt của người dân các vùng trong tỉnh phải phá, hoặc bỏ phí, không có nơi tiêu thụ.
Nhận thức rõ lợi ích của việc chế biến nông sản, các trang trại, cơ sở sản xuất quy mô tập trung đã có những động thái chuẩn bị cho việc chế biến nông sản mình làm ra. Tại Công ty Cổ Phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) đã hoàn thiện quy trình chế biến bột rau má, nước ép rau má. Hợp tác xã Rau an toàn Yên Mỹ, xã Yên Mỹ (Ý Yên) đã đầu tư dây chuyền sản xuất bột, nước ép dinh dưỡng từ rau củ; đồng thời thu gọn diện tích trồng rau màu truyền thống để trồng các loại rau củ có thể chế biến sâu như cà rốt, cần tây, rau ngải, bí xanh… Tại trang trại An Nhiên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) từ sản phẩm cá trắm đen truyền thống, 2 năm trở lại đây, trang trại đã đầu tư thiết bị để chế biến thành nhiều sản phẩm như cá nướng, cá kho và ruốc cá. Rau củ quả trong trang trại như bí xanh, cam, táo, ổi, roi… cũng được chế biến thành nước ép và sấy khô làm trà dinh dưỡng phục vụ người tiêu dùng. Tại trang trại Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) đã đồng thời hoàn thiện 2 quy trình sản xuất gắn với chế biến như: chăn nuôi lợn từ thảo dược gắn với chế biến các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích, ruốc mỡ…; trồng hoa hồng gắn với chế biến nụ, cánh hoa hồng sấy khô và tinh chất hoa hồng phục vụ cho việc làm đẹp của chị em phụ nữ.
Trong đó 3 sản phẩm của trang trại là thịt lợn, xúc xích, nước hoa hồng… đã vinh dự đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Anh Nguyễn Văn Thục, chủ trang trại cho biết: Trước đây trang trại chỉ nuôi lợn, trồng rau củ, hoa quả bán nguyên liệu nhưng thời gian gần đây chúng tôi đã đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, cung ứng đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và chủ động thị trường tránh sự tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá của tư thương. Doanh thu của trang trại cũng gia tăng đáng kể và còn tạo việc làm, thu nhập cho thêm nhiều lao động trong vùng. Ngoài những mô hình, sản phẩm nông sản chế biến nêu trên, trên địa bàn tỉnh ta còn rất nhiều mô hình khác như chế biến lá trà xanh, tía tô, nha đam, củ nghệ, gừng, tỏi… thành thực phẩm dinh dưỡng. Những sản phẩm này đều được kiểm định chất lượng bởi các cơ quan chức năng, đầu tư hoàn thiện về mẫu mã hình thức bao bì nhãn mác đẹp nên đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và làm phong phú thêm sản phẩm hàng hóa cho nông sản chế biến địa phương.
Thực tế cho thấy kinh tế số phát triển, nhu cầu sản phẩm đã qua chế biến được ưa chuộng ở cả trong và ngoài nước. Việc đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản không chỉ tăng giá trị sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng và an toàn cho người sử dụng, mà với thời hạn sử dụng lâu sẽ giảm thiệt hại, khó khăn cho nông dân không bị ảnh hưởng nhiều khi chuỗi tiêu thụ gặp sự cố, rủi ro, đứt gãy. Bên cạnh đó còn nhiều giá trị xã hội khác đi kèm. Do vậy UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ kịp nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất bán sản phẩm thô. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận được các thông tin quy hoạch chung xây dựng, đất đai và các quy hoạch phát triển ngành để đầu tư xây dựng nhà xưởng tại các địa phương; tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, nguồn nguyên liệu và công nghệ chế biến rau quả hiện đại cũng như việc chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng nông sản qua chế biến./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương