Những năm qua, tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất luôn quan tâm, đầu tư trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế nguy cơ tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Nhà máy Bảo Linh 5 (Công ty cổ phần Bảo Linh) xã Minh Tân (Vụ Bản) thường xuyên tập huấn kỹ thuật sử dụng các thiết bị mới đảm bảo an toàn cho công nhân. |
Tín hiệu vui từ các doanh nghiệp
Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: thực hiện nghiêm việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ theo quy định. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp ATLĐ, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác ATLĐ được cử tham dự khóa huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ và được cấp chứng chỉ liên quan. Hàng năm, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và số người lao động được khám sức khỏe định kỳ đều tăng lên. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, cải thiện môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tiêu biểu là những doanh nghiệp có đông người lao động, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty May Sông Hồng, Công ty TNHH May Youngone Nam Định, Khu công nghiệp Hoà Xá, Công ty TNHH Lakeland, cụm công nghiệp xã Xuân Trung (Xuân Trường), Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản)… Công ty TNHH Lakeland, cụm công nghiệp xã Xuân Trung (Xuân Trường) là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyên về lĩnh vực may đồ bảo hộ lao động xuất khẩu. Công ty đang tạo việc làm cho 800 lao động với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Để người lao động có môi trường làm việc an toàn, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống lọc bụi, làm mát, chiếu sáng tại các phân xưởng; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Ở những công đoạn sản xuất có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động đều được lắp đặt, che chắn để bảo vệ máy móc, thiết bị và con người. Công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho cán bộ, công nhân, phát động phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ nơi làm việc, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Công ty CP May Sông Hồng ở điểm công nghiệp xã Nghĩa Thái cũng là điểm sáng về cải thiện điều kiện cho người lao động. Công ty có 1.850 cán bộ, công nhân với 4 xưởng may. Hàng năm, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, Công ty đã lập chương trình hành động cho các phòng, ban thực hiện; treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống loa của Công ty về pháp luật lao động, chế độ với người lao động. Công ty thường xuyên kiểm định máy móc thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, thực hiện quan trắc môi trường theo Nghị định 44/2016 ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ. Kiểm tra các biển báo cấm, chỉ dẫn, biển báo khu vực nguy hiểm đảm bảo đầy đủ, đúng vị trí. Vệ sinh các bình chữa cháy tại các vị trí cần thiết như trạm điện, trạm phát điện; kiểm tra toàn bộ thiết bị, nhà xưởng, nhà kho; phát hiện những nơi chưa đảm bảo an toàn để xử lý sự cố. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, Công ty áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe cho công nhân, từ trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, khử trùng nhà xưởng, đo thân nhiệt, bố trí nhà ăn, ca ăn phù hợp để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch… Với việc thực hiện đảm bảo đúng các quy định pháp luật về ATVSLĐ, nhiều năm liền Công ty CP May Sông Hồng không có người bị tai nạn lao động.
Những giải pháp hiệu quả
Công nhân Công ty cổ phần Kết cấu thép Việt Thắng (Nam Trực) tự giác thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. |
Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc đảm bảo công tác ATVSLĐ, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động. Sở Y tế và các ngành chức năng thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. BHXH tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB và XH cung cấp cho các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tài liệu tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thủ tục thanh toán chi phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; chỉ đạo công đoàn cơ sở tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ. Sở LĐ-TB và XH tổ chức cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ, người lao động trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng nghìn người viết bài dự thi, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Từ năm 2019 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã phát hành trên 20 nghìn tờ rơi, tờ gấp, tranh, áp phích tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp; cấp phát sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp và người lao động. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho đại diện người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác bảo hộ lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Từ năm 2020 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho trên 300 lượt doanh nghiệp; tổ chức và hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho gần 1.000 người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc được các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng. Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức truyền thông và tập huấn về ATVSLĐ, cấp cứu ban đầu và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở LĐ-TB và XH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; qua đó đưa ra những kiến nghị, sửa đổi bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của chương trình.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ. Nâng cao chất lượng tư vấn; quan tâm các địa bàn có đông người lao động làm việc; các ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp; quan tâm công tác kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc… Ngoài ra, bản thân người lao động cần chủ động tìm hiểu nâng cao kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp./.
Bài và ảnh: Viết Dư