Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực đáp ứng các điều kiện mở rộng dịch vụ cung ứng từ dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số. Đây là bước đi phù hợp với xu thế phát triển mới của thời đại công nghệ 4.0, đặc biệt khi tỉnh ta đang dồn lực xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số (CĐS) theo lộ trình Chính phủ đề ra.
Hướng dẫn ứng dụng đài truyền thanh thông minh do Mobifone triển khai tại xã Liên Minh (Vụ Bản). |
Với vai trò dẫn dắt quá trình CĐS quốc gia, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã tiên phong thực hiện CĐS tại chính đơn vị của mình theo hướng thúc đẩy phát triển các hạ tầng số quan trọng như: điện toán đám mây, IoT và tài chính điện tử. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng chương trình ứng dụng cho Chính phủ điện tử, phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh và thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt. Trên cơ sở đó, các dịch vụ số được xây dựng đảm bảo các tiêu chí như: chuẩn chất lượng, sử dụng các giải pháp nội địa để vừa tự chủ về công nghệ, vừa đảm bảo tối đa yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin mức cao nhất. Bước đầu dịch vụ số phục vụ quản lý điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình do các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn cung ứng đã đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Đi đầu trong chiến dịch CĐS, từ năm 2019, VNPT Nam Định đã thực hiện hiệu quả chiến lược “VNPT 4.0” của tập đoàn. Trong đó VNPT Nam Định đã cung ứng, vận hành thành công các dịch vụ phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh như: Trục liên thông văn bản điện tử; Hệ thống thư điện tử; Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu LGPS; trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương; dịch vụ công trực tuyến; trục liên thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó VNPT Nam Định cũng đã cung ứng phần mềm VNPT-iOffice cho các sở, ngành, địa phương; giải pháp phòng họp không giấy tờ (VNPT-eCabinet)… Đối với doanh nghiệp, các giải pháp du lịch thông minh (Smart Tourist), giải pháp quản lý bệnh viện, nhà thuốc (VNPT-HIS)… Đồng thời triển khai hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin theo định hướng hội tụ, tiếp tục tập trung nguồn lực hình thành nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT (Digital Ecosystem)... Đối với lĩnh vực tài chính, VNPT đã cung ứng các hệ thống Website phục vụ bán hàng, thanh toán trực tuyến như shop.vnpt.vn, VNPTPay, Mobile Money… Với sự nỗ lực CĐS trong đơn vị và cung ứng các dịch vụ số, doanh thu dịch vụ số ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu chung của VNPT Nam Định; năm 2020, dịch vụ số của VNPT Nam Định đạt bình quân trên 1,2 triệu lượt giao dịch/tháng. Cùng với VNPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel tại Nam Định đã triển khai nhiều dự án lớn về chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các dự án hiện đại hóa ngành Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải. Đặc biệt, ở mảng thanh toán số và thương mại điện tử, Viettel từng bước hoàn thiện hệ sinh thái Viettelpay, cung ứng dịch vụ thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại Voso.vn. Voso.vn được ra đời nhằm quảng bá đặc sản của địa phương với cam kết nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và được kiểm định chất lượng bởi Bưu chính Viettel. Đây là gian hàng được người tiêu dùng đánh giá cao, vì họ được sử dụng đúng đặc sản vùng miền với chất lượng đảm bảo bởi quy trình kiểm tra của Viettel. Với quan điểm lấy hạ tầng số và dịch vụ số làm nền tảng và động lực cho sự phát triển, Công ty Viễn thông MobiFone cũng tích cực cung ứng nhiều dịch vụ số tiện ích cho khách hàng là cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, giải pháp truyền thông thông minh đối với hệ thống truyền thanh cơ sở đã triển khai hiệu quả thay thế cho phương pháp truyền thống. Giải pháp này được ứng dụng thành công tại xã Liên Minh (Vụ Bản) với nhiều lợi thế như: Chi phí ban đầu thấp; hệ thống không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; lắp đặt được ở các địa bàn phức tạp về địa hình; khắc phục được các lỗi thường xảy ra đối với công nghệ truyền thanh FM như không bị can nhiễu, không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết; chất lượng âm thanh trung thực, thu phát hoàn toàn tự động, chuyển đổi từ văn bản điện tử sang giọng nói và ngược lại đồng thời kiểm soát, điều chỉnh được lịch phát, lịch tiếp âm các chương trình của đài Trung ương, đài tỉnh, đài huyện thông qua phần mềm quản lý, giám sát. Hiện tại MobiFone đã thành lập Trung tâm Dịch vụ số MobiFone (MDS - MobiFone Digital Service), mở rộng đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia trong lĩnh vực số. Đây là bước đi quan trọng trong định hướng chiến lược cung ứng dịch vụ số giai đoạn 2020-2025 của doanh nghiệp.
Cung ứng dịch vụ số là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển. Tuy nhiên, do mới triển khai trong giai đoạn đầu, nên phần lớn các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang hỗ trợ cung cấp miễn phí nhiều dịch vụ, do đó doanh thu chưa cao. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng, điều kiện thực tế tiếp nhận dịch vụ tại mỗi địa phương khác nhau cũng ảnh hưởng đến phương án đầu tư hạ tầng công nghệ và chất lượng dịch vụ số. Việc cạnh tranh về công nghệ, tiềm lực tài chính và chiến lược thuyết phục đại đa số khách hàng nhất là nhóm người dân chưa quan tâm khai thác lợi ích của dịch vụ số cũng là những vấn đề mà các doanh nghiệp viễn thông đang gặp khó. Để đẩy mạnh cung ứng dịch vụ số, đáp ứng yêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh hướng tới xã hội số, nền kinh tế số, các doanh nghiệp viễn thông sẽ chú trọng nghiên cứu, ưu tiên đáp ứng các dịch vụ số người dân đang có nhu cầu sử dụng cao như: các giải pháp thông minh trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương