Yên Mỹ (Ý Yên) vốn là xã thuần nông, nhưng điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho sản xuất trước đây như: đất trũng, đồng ruộng manh mún, cốt đất không đều. Để tăng thu nhập cho nhân dân, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế sẵn có, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khai thác lợi thế giao thông để phát triển thương mại dịch vụ và tìm kiếm đưa nghề mới về địa phương.
Đóng gói rau an toàn trước khi xuất xưởng tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề Yên Mỹ. |
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung xây dựng quy hoạch tạo quỹ đất mặt bằng cho các mục đích, nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cấp chợ dân sinh, các tuyến đường có khả năng khai thác thương mại dịch vụ cũng như hỗ trợ người dân vay vốn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn đã được ban hành. Khuyến khích các hộ dân liên kết tham gia hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Xã đã xây dựng được mô hình trồng lúa chất lượng cao có diện tích 2ha; vùng cánh đồng lớn trên 30ha để sản xuất lúa thương phẩm; vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất như: thủy lợi, cung ứng vật tư, bảo vệ thực vật, đồng điền… Trong đó, vùng trồng rau an toàn do Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề Yên Mỹ tổ chức sản xuất trên cơ sở tập hợp 40 hộ dân cùng canh tác các loại rau, củ theo phương pháp hữu cơ. Anh Nguyễn Hữu Bản, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã cho biết, hợp tác xã đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để cải tạo đất, xây dựng nhà lưới trồng rau và đầu tư máy Ozone khử trùng sản phẩm. Đồng thời mời chuyên gia Nhật Bản, các kỹ sư trồng trọt về tập huấn, hướng dẫn bà con cách cải tạo đất, ủ phân theo phương pháp hữu cơ và thực hành trồng trọt tốt theo quy trình VietGAP; đưa các xã viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng rau màu ở các vùng trồng nổi tiếng khu vực đồng bằng sông Hồng. Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội khoảng 2-4 tạ su hào, bắp cải, đậu đỗ, khoai tây, dưa chuột… Hiện tại, hợp tác xã đang tổ chức trồng các loại rau đặc sản và hoàn thiện quy trình chế biến sâu rau củ thành các sản phẩm khác nhau như: thực phẩm, mỹ phẩm và nước giải khát. Ngoài hiệu quả kinh tế, thành công của mô hình sản xuất rau an toàn đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy canh tác truyền thống còn tồn tại nhiều hạn chế. Bà Nguyễn Thị Vinh, thôn Hữu Thượng cho biết, trước đây với hơn 700m2 đất trồng rau màu, mỗi vụ gia đình thu được hơn 10 triệu đồng. Từ khi tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập cao hơn nhiều mà lại ổn định hơn, không còn lo đầu ra mỗi khi sản phẩm đến kỳ thu hoạch. Hơn thế, chúng tôi còn tạo được thói quen sản xuất có kế hoạch, không tùy tiện như xưa. Cùng với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xã khuyến khích người dân đầu tư phát triển các ngành nghề: may mặc, mộc dân dụng, chắp nứa, sản xuất vật liệu xây dựng để phát huy tiềm năng nguồn lao động địa phương. Các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức dạy nghề cho người lao động và đào tạo nghề, kỹ năng quản lý vốn, quản lý doanh nghiệp cho chủ các cơ sở sản xuất trong xã; hỗ trợ vay vốn chính sách ưu đãi từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành 2 nghề chính là nghề mộc và nghề may công nghiệp. Trong đó nghề mộc thu hút trên 200 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng, mộc xây dựng, gia công sản phẩm mộc mỹ nghệ cho các doanh nghiệp ở làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương và các xã lân cận. Xưởng mộc của gia đình ông Trịnh Đặng Quân ở xóm Lẻ chuyên sản xuất các mặt hàng mộc gia dụng cao cấp. Ban đầu, gia đình ông chỉ làm hàng mộc dân dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và gia công sản phẩm cho các làng nghề trong huyện. Sau nhiều năm tích lũy kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm thị trường, ông đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư các loại máy móc chuyên dụng để sản xuất các loại bàn ghế, giường, tủ chất lượng cao xuất khẩu sang Trung Quốc… Mỗi năm xưởng mộc của gia đình ông đạt doanh thu hàng tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã. Cùng với nghề mộc, người dân xã Yên Mỹ còn du nhập nghề sơn chắp nứa từ xã Yên Tiến. Hộ đầu tiên đưa nghề sơn chắp nứa về xã là gia đình anh Đoàn Thế Định, đến nay cơ sở sản xuất của anh đã đạt sản lượng 10 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Xác định đúng hướng, kịp thời khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đã giúp xã Yên Mỹ không còn là xã “thuần nông”, kinh tế phát triển đa dạng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 48 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo chiếm 69,26%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đạt 97,2%. Đặc biệt xã Yên Mỹ được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện và là 1 trong 5 xã đầu tiên của huyện Ý Yên hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2021./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương